Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh đã có báo cáo số 4400-BC/SVHTT về việc sơ kết 05 năm thực hiện Thông tư số 07/2017/TT-BVHTTDL quy định việc thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.
Thực hiện Thông tư số 07/2017/TT-BVHTTDL ngày 29/12/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, nhằm kịp thời nắm bắt thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện.
Công tác thu thập thông tin về gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình là một trong những nội dung quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về gia đình. Xác định được tầm quan trọng đó, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố quản lý nhà nước về gia đình thông qua các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện các chương trình, đề án về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn Thành phố, trong đó có nội dung thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình theo Thông tư số 07/2017/TT-BVHTTDL.
Thứ nhất, đầu tư nguồn lực về nhân sự và kinh phí là hai nội dung trọng tâm đặc biệt quan trọng của công tác thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Nhiều năm qua Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm triển khai thực hiện, có thể kể đến một số nổi bật như sau:
Ở khu phố ấp: toàn thành phố có hơn 11.800 cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em, đây là lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ quy định tại Điều 3 Thông tư số 02/2021/TT-BYT ngày 25 tháng 01 năm 2021 của Bộ Y tế và Quyết định số 496/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có nhiệm vụ thu thập thông tin dân số, gia đình và trẻ em ở cơ sở theo định kỳ. Đội ngũ này được hưởng phụ cấp 400.000đ/ người/ tháng đối với địa bàn nội thành, riêng địa bàn huyện ngoại thành được hưởng 450.000đồng/ người/ tháng theo Nghị quyết 25/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhân sự phụ trách thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình cấp phường, xã, thị trấn: Thành phố Hồ Chí Minh có 312 phường, xã, thị trấn, mỗi phường có 01 cán bộ trực tiếp đảm nhận công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, 100% cán bộ có trình độ đại học trở lên; đội ngũ này trực tiếp tổng hợp số liệu thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình từ đội ngũ cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em ở cơ sở (khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân). Đội ngũ cán bộ công chức ở xã, phường, thị trấn đã được hưởng lương từ ngân sách hoặc hưởng phụ cấp cán bộ không chuyên trách, do đó đội ngũ này không được hưởng phụ cấp từ hoạt động thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Theo thống kê sơ bộ năm 2018, cán bộ phụ trách công tác gia đình cấp cơ sở (phường, xã, thị trấn) cùng một lúc kiêm nhiệm nhiều công việc, trong khi lương thấp hoặc có trường hợp phụ trách công tác gia đình là cán bộ không chuyên trách hàng tháng không có lương mà thay vào đó là nhận phụ cấp, có những việc không tên có liên quan phải giải quyết trong một lượng thời gian cố định thì chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động. Đội ngũ cán bộ phụ trách công tác gia đình ở cơ sở (phường, xã, thị trấn) có số năm đảm nhận công tác gia đình thấp, đồng nghĩa với việc cán bộ ở cơ sở thay đổi liên tục. Việc thường xuyên thay đổi cán bộ phụ trách công tác gia đình phần nào đã làm ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; đây là một trong những thách thức không nhỏ đối với chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác gia đình nói chung và công tác phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng.
Nhân sự phụ trách thu thập, báo cáo thông tin công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình cấp huyện: Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 22 đơn vị hành chính cấp huyện và tương đương, gồm: 19 quận, 01 thành phố và 05 huyện; mỗi đơn vị hành chính có 01 cán bộ phụ trách tổng hợp, thu thập số liệu, thông tin báo cáo, tất cả đều có trình độ đại học trở lên.
Nhân sự phụ trách thu thập, báo cáo thông tin về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình cấp Thành phố có 01 người, có trình độ đại học trở lên, tốt nghiệp chuyên ngành xã hội học, thâm niên đảm nhận công tác gia đình 07 năm.
Thứ hai, hiện nay kinh phí dành riêng cho hoạt động thu thấp, báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình chưa được bố trí. Việc triển khai thu thập thông tin về gia đình được lồng ghép và trang trải chi phí từ kinh phí công tác gia đình nói chung. Kinh phí thực hiện công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình được bố trí tăng dần hằng năm trong ngân sách thường xuyên của Sở Văn hóa và Thể thao; ở cấp quận, huyện được phân bổ vào kinh phí của Phòng Văn hóa và Thông tin; ở phường, xã, thị trấn được phân bổ vào ngân sách Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn tùy theo và phụ thuộc vào tình hình của địa phương và theo Thông tư Liên tịch số: 143/2011/TTLT/BTC-BVHTTDL. Thống kê tổng hợp kinh phí dành cho công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình cho thấy hằng năm kinh phí được phân bổ cho cấp thành phố, cấp quận, huyện; 312 phường, xã, thị trấn và 100% khu dân cư.