Hôn nhân là sự kết hợp thiêng liêng giữa nam và nữ trên cơ sở tình yêu, sự hòa hợp về quan điểm, cách sống và chia sẻ trách nhiệm chung để cùng xây dựng một gia đình, chung sống lâu dài. Do vậy, việc duy trì tình yêu trong hôn nhân là yếu tố then chốt để giữ gìn hạnh phúc gia đình và sự say mê giữa các cặp lứa đôi. Khác với hôn nhân từ những lý do như kinh tế, địa vị, trao đổi lợi ích, hôn nhân vì tình yêu rất cần sự bồi đắp hàng ngày bởi nếu ngọn lửa tình yêu lụi tàn thì nguy cơ tan vỡ gia đình rất dễ xảy ra.
Quyền được yêu thương thể hiện ở khía cạnh tinh thần bằng sự chăm sóc, tôn trọng, trung thực trong đời sống thường ngày, là những lời thăm hỏi, động viên, chia sẻ mỗi khi người vợ/chồng gặp khó khăn, đau ốm. Không phải vô cớ mà người xưa lại nhấn mạnh quan niệm “vợ chồng kính nhau như khách”. Khoan hãy bàn đến khía cạnh lễ giáo phong kiến mà chúng ta có thể thấy một nguyên tắc ứng xử rất quan trọng của mối quan hệ vợ chồng, đó là sự tôn trọng, giữ những nguyên tắc nhất định, không suồng sã để bỏ qua những mong muốn của người khác.
Ở khía cạnh vật chất, tình yêu thương, sự chăm sóc, quý trọng cần được thể hiện không phải bằng của cải mà là nỗ lực mang lại một cuộc sống ổn định, đảm bảo các nhu cầu sống và phát triển để người vợ không cần phải vất vả gánh vác gánh nặng kinh tế một mình.
Sự chung thủy là một trong những tiêu chí ứng xử quan trọng trong mối quan hệ vợ chồng, bởi nó chính là yếu tố then chốt để duy trì và phát triển mối quan hệ vợ chồng/hôn nhân. Khi hai cá nhân bước vào hôn nhân là bản thân mỗi người đều xác định họ sẽ gắn bó, yêu thương với người vợ/chồng của mình đến trọn đời.
Quan hệ vợ chồng được kết nối bởi tình yêu, trách nhiệm, sự tôn trọng. Tình cảm này hết sức gắn bó, đẹp đẽ và thiêng liêng, là sự cam kết gắn bó giữa hai cá nhân thành một thực thể và sẽ chỉ thay đổi khi họ không còn sống chung hoặc một trong hai người mất đi.
Chung thủy là chỉ sự không thay đổi, trước sau như một. Tùy theo quan niệm, phong tục hay định kiến của từng dân tộc, từng quốc gia qua từng thời kỳ mà quan niệm về sự chung thủy hay nhiều yếu tố khác trong xã hội cũng có nhiều khác biệt. Các tôn giáo khi bàn tới đạo lý trong mối quan hệ hôn nhân và gia đình cũng luôn đề cao giá trị của sự chung thủy. Như Phật giáo coi vợ chồng là nhân duyên và luôn nhắc nhở người vợ và người chồng phải giữ sự chuẩn mực đạo đức, tiết hạnh, không nảy sinh tà ý.
Đòi hỏi sự chung thủy cũng là quyền chính đáng của cặp vợ chồng, nhất là khi bối cảnh của cuộc sống xung quanh cặp vợ chồng luôn có nhiều biến động. Những quan niệm cởi mở hơn và đặc thù của các mối quan hệ xã hội có thể làm ảnh hưởng tới quan hệ vợ chồng. Nếu như trước đây, khi kết hôn, cá nhân có xu hướng hạn chế các mối quan hệ khác giới khác như bạn bè, đồng nghiệp thì hiện nay họ có thể cởi mở hơn và duy trì các mối quan hệ này song song với quan hệ vợ chồng. Sự chung thủy trong xã hội hiện đại không chỉ là việc dành toàn bộ thời gian bên vợ/chồng của mình mà quan trọng là sự cam kết trong suy nghĩ, trung thực trong hành động và toàn tâm toàn ý yêu thương, chăm sóc vợ/chồng của mình.
Cuộc sống hiện nay luôn ẩn chứa nhiều cám dỗ, những chướng ngại cần phải vượt qua. Tuy nhiên, duy trì sự chung thủy chính là khả năng, là sự biểu hiện của người trưởng thành, có lý trí. Giữ gìn sự chung thủy là giữ gìn được lòng tin, sự tôn trọng và tình yêu trong hôn nhân, giúp cuộc hôn nhân được bền vững và cặp vợ chồng trải qua được những sóng gió của cuộc đời.