Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Đây là những quyền cơ bản của mỗi cá nhân trong xã hội, phục vụ cho nhu cầu sống, phát triển lành mạnh, tích cực của mỗi cá nhân. Khi chưa kết hôn và đã là người trưởng thành chúng ta dễ dàng hơn khi có thể tự quyết định những vấn đề của mình. Tuy nhiên, khi đã có gia đình với những sự ràng buộc của trách nhiệm, những lo toan, tính toán không chỉ cho mình mà cả người vợ/chồng và các thành viên khác, mọi lựa chọn đều cần có sự ủng hộ, giúp đỡ của người còn lại. Đặc biệt là đối với người phụ nữ, ngay cả khi giá trị bình đẳng đã trở thành quyền được pháp luật bảo vệ và quy định thì khi trở thành người có gia đình – với thiên chức làm vợ, làm mẹ, họ đều dễ gặp phải những cản trở khi thực hiện những quyền trên của mình.
Mỗi người phụ nữ khi bước vào cuộc sống gia đình, bên cạnh việc mang trong mình những trách nhiệm mới của việc làm vợ/làm mẹ thì bản thân họ cũng là những cá nhân có công việc, sở thích, mong ước riêng của mình. Do vậy, họ vẫn được đảm bảo những quyền lợi của mình để tiếp tục tham gia học tập, làm việc. Đối với phụ nữ Việt Nam, bên cạnh việc lao động, học tập, chị em còn chịu trách nhiệm chính trong công việc nhà và chăm sóc con cái do vậy đôi khi quyền lao động, học tập của phụ nữ chưa được đảm bảo đầy đủ. Điều này xuất phát không chỉ do xã hội, các gia đình và bản thân người chồng chưa tạo điều kiện, chia sẻ, động viên người phụ nữ mà bản thân người vợ cũng đôi khi vì ý thức về vai trò của mình mà bỏ qua những cơ hội để phát triển.
Do vậy, hơn ai hết, người vợ phải nhận thức được quyền lợi của mình trong gia đình để tích cực trao đổi với người chồng trong việc chia sẻ việc nhà, chăm sóc con cũng như có định hướng đầu tư hợp lý thời gian, kinh phí cho những mong ước chính đáng trong bước đường phát triển của người vợ.
Trên thực tế, người phụ nữ khi tham gia vào lĩnh vực lao động, việc làm đều thiệt thòi hơn nam giới. Tính đến 01/7/2017 lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính là 54,5 triệu người, trong đó lao động nam 28,3 triệu người chiếm 52%, lao động nữ 26,2 triệu người chiếm 48%.
Chất lượng việc làm của lao động nữ còn chưa ổn định và thiếu bền vững do lao động nữ thường tập trung trong các lĩnh vực có có trình độ chuyên môn thấp hoặc những công việc có tính bền vững và ổn định không cao . Điều đó dẫn đến tình trạng lương bình quân hàng tháng của lao động nữ làm công hưởng lương thấp hơn so với lao động nam (nữ khoảng 4,58 triệu đồng so với nam là 5,19 triệu đồng).
Mặt khác, tình trạng sa thải lao động độ tuổi 35 trở lên, trong đó phần lớn là lao động nữ đang là một vấn đề lớn đáng báo động cho thị thường lao động hiện nay. Kết quả khảo sát ở một số doanh nghiệp cho thấy có nơi tới 80% phụ nữ tuổi trên 35 làm việc trong các khu công nghiệp bị buộc phải nghỉ việc hoặc tự bỏ việc. Với lý do chính là do cơ cấu lại sản xuất hoặc tự nghỉ do không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt . Vấn đề này Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét để sớm có những giải pháp và can thiệp để bảo vệ quyền lợi của người lao động, đặc biệt là lao động nữ.
Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì vẫn còn sự khác biệt về giới trong cách tính lương hưu đối với lao động nam và nữ nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 khi tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nam chỉ giảm 2% trong khi lao động nữ giảm tới 10% so với người có cùng thời gian đóng bảo hiểm xã hội nghỉ hưu năm 2017.
Những con số này cho thấy sự bất bình đẳng mà người phụ nữ đang phải chịu khi tham gia vào lĩnh vực lao động, việc làm. Do vậy, hơn ai hết, gia đình và đặc biệt là người chồng cần quan tâm tới khả năng và nhu cầu của người vợ để cùng tạo điều kiện cho cả hai người được học tập và làm việc theo mong muốn của mình. Từ việc thực hiện bình đẳng trong gia đình, người phụ nữ mới được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc cũng như xã hội.
Đối với việc tham gia vào hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội, mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều không phân biệt giữa phụ nữ và nam giới. Tuy nhiên, cũng giống như các lĩnh vực khác, rào cản lớn nhất đối với người phụ nữ có khi lại xuất phát từ chính gia đình, bởi những trách nhiệm mà xã hội “gán” cho phụ nữ. Có những gia đình, hết giờ làm, người chồng có thể dành ít nhất một buổi tối trong một tuần để tham gia hoạt động thể thao hoặc đi gặp bạn bè, giải trí trong khi người vợ của họ phải làm việc nhà đủ bảy ngày trong một tuần. Những quy định của Nhà nước đôi khi chỉ đặt ra những nguyên tắc xử sự chung mà không thể can thiệp vào cuộc sống riêng của mỗi gia đình. Do vậy, việc sắp xếp, bố trí thời gian, công việc, nguồn lực tài chính để cả người vợ và người chồng đều được tham gia vào các hoạt động xã hội là trách nhiệm của người chồng và các thành viên trong gia đình.
Bên cạnh những quyền lợi cơ bản được liệt kê ở trên, người vợ còn có những quyền khác được pháp luật bảo vệ như tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng đồng thời rất nhiều quyền, nghĩa vụ khác liên quan tới chế độ tài sản, chấm dứt hôn nhân, con cái.