Điều 17, Luật Hôn nhân và Gia đình quy định năm 2014: “Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan.”
Khác với quan hệ vợ chồng trong các chế độ xã hội xưa, người vợ thường chấp nhận phục tùng người chồng, ít khi được tham gia vào những quyết định quan trọng. Ngày nay, bình đẳng là thước đo sự phát triển của xã hội, là một giá trị mới nhân văn của gia đình hiện đại, là tiêu chí đánh giá một gia đình hạnh phúc. Việc nhấn mạnh quyền bình đẳng trong quan hệ vợ chồng là hướng đến bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ vốn đã hàng trăm năm nay luôn bị quan niệm là hậu phương, là “ngồi xó bếp”, là “lấy chồng phải theo chồng”.
Bảo vệ quyền bình đẳng của vợ chồng trong mọi mặt đời sống đòi hỏi cả hai cá nhân cần nỗ lực để thực hiện mọi quyền lợi, nghĩa vụ của mình.
Việc thực hiện bình đẳng được thể hiện trong mọi khía cạnh của đời sống hôn nhân như cùng chia sẻ công việc gia đình, chăm sóc con cái; được thỏa mãn những nhu cầu cá nhân như giải trí, học tập, tham gia hoạt động xã hội, cộng đồng; được bàn bạc, trao đổi, tham gia vào quá trình ra quyết định trong gia đình cũng như bình đẳng, tôn trọng trong đời sống tình dục hay kế hoạch hóa gia đình.
Cho dù vậy, cũng rất khó xác định cách đảm bảo sự bình đẳng trong mọi hoạt động giữa vợ và chồng vì không giống như những quy định trong xã hội có tiêu chí đánh giá cụ thể, trong gia đình, hầu hết mọi hoạt động đều được phân công thực hiện theo những chuẩn mực, cách thức có từ nhiều thế hệ và mỗi cá nhân đều chịu những áp lực nhất định với vai trò của mình khi làm vợ/làm chồng. Do vậy, đôi khi tồn tại xung đột giữa mong muốn của cặp vợ chồng với mong muốn từ phía những thành viên khác (đặc biệt là cha mẹ), giữa những chuẩn mực ứng xử truyền thống và hiện đại.
Do vậy, đôi khi việc thực hiện quyền bình đẳng lại trở nên cứng nhắc như trong tình huống sau:
“Chị C luôn mong muốn vợ chồng phải bình đẳng trong gia đình. Chị C không “cào bằng” nhưng yêu cầu chồng phải luôn bên cạnh vợ, thấy vợ làm gì thì làm cùng. Để tiện “chia sẻ”, vật dụng gì trong nhà chị cũng sắm hai thứ. Nhà có 30m2 nhưng lúc nào vợ một xô nước, một cái chổi, thì chồng cùng nhăm nhăm lấy chổi, xách nước để lau cùng. Khi chị nấu bếp thì anh nhặt rau, chị thái hành, anh rán cá, chị vo gạo… Ngay cả việc giặt quần áo chị cũng đòi anh phải đứng cạnh để “vắt nước”. Khi chị rửa bát thì anh đứng cạnh để lau khô và xếp vào chạn… Hai vợ chồng cứ đủng đỉnh “sánh vai nhau” như vậy khiến anh K sốt ruột. Nhưng khi anh đề nghị mỗi người làm một việc cho nhanh thì vợ anh nhất định không chịu. Chị bảo như vậy thì sẽ có người việc nhiều, việc ít mà tình cảm vợ chồng không được kết nối. Hai người bên nhau sẽ chia ngọt sẻ bùi nhiều hơn.”
Đặc thù mối quan hệ giữa vợ chồng là xuất phát từ tình yêu, từ những cảm xúc, mong muốn, quy ước riêng tư nên sự bình đẳng không phải được thực hiện một cách cứng nhắc, cào bằng mà cần có sự linh hoạt, mềm dẻo, dựa trên năng lực, sở trường của vợ và chồng. Có như vậy bình đẳng mới được thực hiện một cách tự giác và bền vững trong mỗi gia đình.