Bạo lực gia đình là một trong các nguyên nhân phổ biến dẫn đến các cuộc hôn nhân đổ vợ, ly hôn, ly thân ở nhiều cặp vợ chồng. Không những thế, những hành vi bạo hành có thể khiến cho người bị bạo lực gia đình rơi vào trạng thái bị suy kiệt sức lực, mắc phải các bệnh lý nghiêm trọng và cần có thời gian, tiền bạc để chữa trị. Bạo lực gia đình gây ảnh hưởng đến cả người bị bạo lực gia đình, người gây bạo lực và cả gia đình của họ. Thực tế này đòi hỏi phải có các biện pháp xử lý nghiêm khắc, thích đáng đối với người có hành vi bạo lực gia đình. Đây cũng là lý do Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) bổ sung thêm quy định Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình.
Điều 24 Theo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) quy định việc “Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình” như sau:
1. Khi được phân công giải quyết vụ việc, Trưởng Công an xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình để làm rõ thông tin, giải quyết vụ việc trong các trường hợp sau đây:
a) Người bị bạo lực gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc;
b) Khi có căn cứ cho rằng hành vi bạo lực gia đình đã hoặc có thể tiếp tục gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người bị bạo lực gia đình.
2. Việc yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã phải được lập biên bản và có người trong cộng đồng dân cư chứng kiến.
3. Trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình không chấp hành yêu cầu thì Công an xã được sử dụng công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật để đưa người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã.
Việc bổ sung quy định này đã nhận được sự đồng thuận của các cơ quan và Quốc hội. Lý giải về việc bổ sung quy định này, Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban soạn thảo Luật cho biết, “hiện nay lực lượng công an xã đa số là công an chính quy, trong chức năng, nhiệm vụ của công an, chúng tôi thấy rằng khi làm việc với Bộ Công an thì chức năng về phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ đó là 2 vấn đề lớn của ngành công an đang triển khai. Biện pháp này chính là hình thức về phòng ngừa xã hội và nó cũng chỉ áp dụng đối với trường hợp bạo lực gia đình do công an xử lý, cụ thể ở đây người bạo lực là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, với mục đích là làm rõ thông tin các vụ việc, chưa phải xử lý hành chính hay xử lý hình sự. ”
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình sẽ khắc phục những bất cập của Luật 2007, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phòng chống, ngăn ngừa có hiệu quả các hành vi bạo lực gia đình, góp phần giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.