Bảo vệ trẻ em là một nhiệm vụ cấp thiết, để thực hiện tốt việc này, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật, chính sách bảo vệ quyền trẻ em từ phòng ngừa, hỗ trợ đến can thiệp, ngăn chặn, xử lý vi phạm và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân để đảm bảo cho trẻ em được an toàn, can thiệp kịp thời khi có nguy cơ hoặc đã, đang bị xâm hại. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các tổ chức chính trị – xã hội có liên quan cần tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em; giám sát việc bố trí nhân lực và ngân sách để thực hiện công tác này ở cấp cơ sở.
Gia đình mà trực tiếp là cha, mẹ cần xác định rõ những nguy cơ “cạm bẫy” mà trẻ em đang phải đối mặt cả ngoài đời thực lẫn trên môi trường mạng, thời gian vừa qua, hàng loạt chính sách, văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em,… đã được các cấp từ Trung ương đến địa phương ban hành, nổi bật nhất là việc đưa vào thực thi Luật Trẻ em năm 2016. Tuy nhiên, theo một khảo sát nhanh của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thực hiện gần đây cho thấy, ở vùng nông thôn, hơn 40% người lớn không biết về Luật Trẻ em, chưa biết tới trẻ em có quyền gì, Luật Trẻ em đề cập đến những vấn đề gì, tuyệt đại bộ phận trẻ em nông thôn hiện nay không biết được mình có quyền gì. Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững cũng cho thấy, số trẻ em có kiến thức cơ bản về xâm hại tình dục qua mạng thấp (10,4% tổng số trẻ em được khảo sát), tỷ lệ cha mẹ có kiến thức càng thấp hơn (chiếm 8,6%).
Vì vậy, tất cả các chủ thể cần phải nhận thức đầy đủ, có kiến thức hiểu biết sâu sắc hơn về quyền trẻ em, các cơ chế hữu hiệu để bảo đảm quyền trẻ em trong các môi trường xã hội nói chung và trong môi trường gia đình nói riêng. Đó là trách nhiệm và bổn phận của tất cả chúng ta dành cho trẻ em.