Khác với quan điểm của Nho giáo, Phật giáo hướng đến mối quan hệ vợ chồng một cách tích cực hơn. Theo quan niệm của đạo Phật, quan hệ gắn kết vợ chồng là do nghiệp. Đồng thời, quan hệ này là mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng và bình đẳng. Đối với người chồng thì lấy lễ đối đãi với vợ, chuẩn mực nhưng không hà khắc và cùng làm việc nhà với vợ. Ngược lại, người vợ phải siêng năng và biết nể chồng, lo toan mọi việc trong ngoài.
Có thể thấy rằng, mặc dù Phật giáo không thể hiện rõ quan điểm đa thê như Nho giáo nhưng lại khuyến khích sự chung thủy trong hôn nhân. Trong kinh Đảnh Lễ Sáu Phương (còn gọi là Kinh Giáo Thọ thi ca La việt, Trường Bộ Kinh) có ghi: “Nếu một người đàn ông có vợ mà đến với người phụ nữ khác ngoài hôn thú thì điều này có thể là nguyên nhân về sự sa sút của anh ta và chắc chắn anh ta phải đối mặt với nhiều vấn đề khác cùng với những phiền toái” [13]. Như vậy, mặc dù quan niệm của Phật giáo có cách đây mấy ngàn năm nhưng giá trị thực tiễn vẫn ảnh hưởng cho đến tận ngày nay.
Quan hệ vợ chồng trong gia đình truyền thống Việt Nam
Đối với gia đình truyền thống Việt Nam, quan hệ vợ chồng dựa trên nhiều yếu tố như tình nghĩa, thủy chung, hòa thuận,…. Đây là những giá trị đạo đức căn bản để duy trì, gắn bó và làm cho cuộc hôn nhân giữa hai vợ chồng ngày càng trở nên bền vững.
Thứ nhất, tình nghĩa là chuẩn mực vô cùng quan trọng trong quan hệ vợ chồng. Hai yếu tố này bổ sung cho nhau và thể hiện trong cách ứng xử hàng ngày trong gia đình và ngoài xã hội.Trước kia, các cặp vợ chồng trước khi lấy nhau có thể không biết mặt nhau. Những cuộc hôn nhân do cha mẹ sắp đặt không có tình yêu, nhưng do tình nghĩa mà họ gắn kết và ràng buộc với nhau suốt cả cuộc đời. Đạo nghĩa vợ chồng “tương kính như tân” làm cho họ tôn trọng và sống hết lòng vì nhau. Tình nghĩa nảy sinh từ cuộc sống chung và cùng chung vai gánh vác việc gia đình. Đồng thời, nó thể hiện sự quan tâm và tôn trọng đối với vợ hoặc chồng. Là sự gánh vác, chia sẻ và hy sinh lẫn nhau không chỉ trong cuộc sống mà còn là giáo dục con cái. Làm cho mối quan hệ vợ chồng gắn kết và không bị ảnh hưởng từ các tác động bên ngoài.
Thứ hai, thủy chung là một trong những yếu tố không thể thiếu trong gia đình truyền thống Việt Nam. Có thể hiểu thủy chung là tình cảm trước sau như một, không thay đổi. Vợ chồng là phải chung tình, gắn bó yêu thương suốt đời. Điều này được thể hiện trong những điều luật về gia đình của các triều đại Lê, Nguyễn và trong Luật hôn nhân và gia đình ở nước ta hiện nay. Đối với gia đình truyền thống, chung thủy chủ yếu đặt ra cho người vợ trong gia đình. Người chồng có quyền có nhiều vợ, nhưng người vợ chỉ được có duy nhất một chồng. Có thể nói rằng, trinh tiết và đức hạnh là những chuẩn mực của người phụ nữ trong gia đình truyền thống.
Thứ ba, sự hòa thuận giữa hai vợ chồng trong gia đình là yếu tố nền tảng để duy trì gia đình bền vững. Ca dao, tục ngữ đề cập nhiều đến việc hòa thuận giữa hai vợ chồng, như “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn” hay là “Chồng nóng thì vợ bớt lời. Cơm sôi nhỏ lửa suốt đời không khê”, v.v.. Vợ chồng hòa thuận thì mọi việc trôi chảy, thuận lợi và tránh được sự đổ vỡ. Thường những phụ nữ trong gia đình truyền thống rất nhường nhịn để giữ yên ấm nhà cửa.
Có thể khẳng định rằng, gia đình truyền thống Việt Nam là một kiểu mẫu gia đình về sự chung thủy, tình nghĩa và hòa thuận. Tuy nhiên, nó có nhược điểm là người phụ nữ bị thiệt thòi và chịu nhiều sự bất công khi phải hy sinh quá nhiều cho gia đình.