Để củng cố, xây dựng gia đình thành tế bào lành mạnh của xã hội, trong suốt quá trình lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong những năm đổi mới, Đảng ta luôn quan tâm chăm lo đến gia đình, Đảng chỉ rõ phải gắn chặt xây dựng nếp sống mới với xây dựng con người mới, xây dựng gia đình văn hóa.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (năm 2014) về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước với quan điểm “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Nghị quyết đề ra nhiệm vụ “Chăm lo, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị phải là một môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống. Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Xây dựng và nhân rộng mô hình các gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết thương yêu nhau”.
Tiếp theo Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XIII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới xác định “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước”. Nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị đặt ra nhiệm vụ “Nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của gia đình và công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Xác định gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững đất nước. Gia đình là đối tượng tác động, thực hiện và thụ hưởng chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là một trong những nội dung quan trọng, yêu cầu xuyên suốt của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước”.
Thông điệp của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2021), xác định “Từ quá khứ đến hiện tại, khi đất nước có chiến tranh hay hòa bình, gia đình vẫn luôn là một bộ phận quan trọng của xã hội, là nền tảng vững chắc góp phần làm nên sức mạnh dân tộc; gia đình vẫn giữ vai trò, vị trí trung tâm trong đời sống kinh tế-xã hội của người dân Việt Nam; Gia đình vẫn là nơi kết nối, gắn kết các thế hệ, giữ gìn, phát huy những chuẩn mực, giá trị, tinh hoa văn hóa dân tộc, là mạch nguồn vun đắp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là ngôi nhà an toàn nhất, vững chắc nhất cho mỗi thành viên trước những khó khăn, rủi ro trong cuộc sống”. Bởi vậy cấp ủy đảng, chính quyền, các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác gia đình, đặc biệt là việc “Phát triển gia đình, đề cao gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ, giữ gìn phát huy bản sắc truyền thống, các giá trị văn hóa chuẩn mực tốt đẹp của gia đình Việt Nam trong giai đoạn mới của đất nước “Xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh”.
Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 (sửa đổi năm 2013) thể hiện đề cao vị trí, vai trò của gia đình trong đời sống xã hội, giữ gìn những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc, xóa bỏ những tập tục lỗi thời lạc hậu về hôn nhân và gia đình, nâng cao trách nhiệm của cá nhân và xã hội trong việc củng cố thiết chế gia đình, trong đó đặc biệt quan tâm bảo vệ hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc gia đình với cấu trúc hôn nhân “một vợ, một chồng”.
Quyết định số 629/QĐ-TTg ngày 29/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với quan điểm “Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Chiến lược đề ra mục tiêu “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội”.
Quyết định số 2238/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020 với quan điểm “Gia đình là tế bào của xã hội; nơi duy trì nòi giống; môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người và lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc; là nền tảng xây dựng xã hội hạnh phúc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển bền vững; là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội; Phát huy vai trò của gia đình nhằm tạo môi trường giáo dục sớm, góp phần xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, phát triển toàn diện,trở thành trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Chiến lược đề ra mục tiêu chung “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, là hạt nhân, tế bào lành mạnh của xã hội, tổ ấm của mỗi người; là nơi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, lối sống tôn trọng đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phát huy, nhân rộng các giá trị tốt đẹp góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước”.
Những quan điểm của Đảng, cơ chế chính sách của Nhà nước về gia đình sẽ là tiền đề, là cơ sở quan trọng để định hướng xây dựng môi trường văn hóa gia đình hiện nay.