Năm 1986, Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc đã chính thức đưa nước ta bước vào quá trình đổi mới và đem lại những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho mọi gia đình Việt Nam. Trong quá trình này, vai trò của gia đình Việt Nam ngày càng được khẳng định như một nhân tố quan trọng làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 đã khẳng định “Gia đình là tế bào của xã hội, có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, con người mới. Nội hàm của khái niệm “con người mới” bao gồm hệ thống các chuẩn mực giá trị đạo đức, lối sống phù hợp với truyền thống và thời đại- tức là nhân cách và gia đình là môi trường quan trọng để hình thành nhân cách.
Đại hội lần thứ VII tháng 6 năm 1991 thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, coi trọng nhân tố con người với quan điểm“gia đình là tế bào xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”. Có thể nói, lần đầu tiên trong văn kiện của Đảng, gia đình được xác định là môi trường quan trọng đối với sự phát triển của mỗi con người. Trên cơ sở nhận định đó, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội cũng chỉ ra những định hướng các chính sách của Nhà nước với gia đình là “phải chú ý tới xây dựng gia đình no ấm, hoà thuận, tiến bộ. Nâng cao ý thức về nghĩa vụ gia đình đối với mọi lớp người”.
Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ (khóa VII) của Đảng, năm 1994, tiếp tục bổ sung các quan điểm, chủ trương của Đảng về tăng cường vai trò của gia đình. Hội nghị khẳng định: “Tăng cường các phương tiện truyền thông đại chúng để kịp thời phổ biến, tuyên truyền về đường lối, chính sách và pháp luật; đưa đến từng gia đình các giá trị văn hóa, văn học và nghệ thuật, giáo dục cái tốt, cái đẹp, nâng cao hiểu biết và trình độ thẩm mỹ của nhân dân, ngăn chặn sự xâm nhập của những nọc độc văn hóa, những ấn phẩm phản động, đồi trụy. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chấn chỉnh và nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với hoạt động văn hóa, văn nghệ; bổ sung các chính sách, luật lệ cần thiết và thi hành nghiêm minh”.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII năm 1996, Đảng ta đưa ra quan điểm “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng tiến bộ và hạnh phúc, làm cho gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi ng¬ười”. Đây chính là tiền đề cho Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) 1998 về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc xác định: “Gìn giữ và phát huy đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ. Coi trọng xây dựng gia đình văn hóa. Xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Đại hội IX của Đảng năm 2001 tiếp tục nhấn mạnh đến vai trò của gia đình đối với sự phát triển kinh tế xã hội, sự hình thành nhân cách, lối sống của mỗi người: “Nêu cao trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng và bồi dưỡng các thành viên của mình có lối sống văn hóa, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội”. Cần nói rõ thêm, đến Đại hội IX quan điểm của Đảng về “gia đình” không chỉ là tế bào của xã hội mà phải là những tế bào lành mạnh, là tổ ấm thực sự của mỗi người. Để thực hiện điều đó, trước hết chính mỗi gia đình phải nêu cao trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và bồi dưỡng nhân cách của từng thành viên.
Cụ thể hóa quan điểm và đường lối, chủ trương của Đảng, ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg lấy ngày 28 tháng 6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.