Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.
Quản lý nhà nước về công tác gia đình là một nhiệm vụ khó và mới. Có thể khái quát quá trình hình thành và phát triển bộ máy quản lý nhà nước về gia đình như sau:
Năm 1984, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định 58-HĐBT ngày 11 tháng 4 về việc thành lập Ủy ban quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch;
Năm 1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt ban hành Quyết định 51-CT ngày 06 tháng 3 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Ủy ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình;
Năm 1991, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 193-HĐBT ngày 19 tháng 6 về Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và chế độ làm việc của Ủy ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình. Nghị định này thay thế Quyết định số 58-HĐBT ngày 11 tháng 4 năm 1984 và các văn bản quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.
Năm 2002 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em. Bãi bỏ Nghị định số 42/CP ngày 21 tháng 6 năm 1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và lề lối làm việc của Ủy ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình và Nghị định số 118/CP ngày 07 tháng 9 năm 1994 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam.
Theo đó, Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em là cơ quan ngang bộ của Chính phủ thực hiện chức năng QLNN về dân số, gia đình và trẻ em; QLNN các dịch vụ công thuộc lĩnh vực dân số, gia đình và trẻ em. Đến lúc này “gia đình” mới được xác định là một mảng độc lập, tách khỏi vấn đề dân số, trẻ em. Đây là sự thay đổi lớn để từ đó hình thành bộ máy QLNN về gia đình.
Cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em được xác định gồm:
– Các tổ chức giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban thực hiện chức năng QLNN: Vụ Dân số; Vụ Gia đình; Vụ Trẻ em; Vụ Truyền thông – Giáo dục; Vụ Kế hoạch – Tài chính; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Pháp chế; Thanh tra; Văn phòng;
– Các tổ chức sự nghiệp thuộc Ủy ban: Viện Khoa học dân số, gia đình và trẻ em; Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức; Trung tâm Thông tin; Tạp Chí Gia đình và Trẻ em; Báo Gia đình và Xã hội.
Sau 6 năm sau, ngày 08 tháng 8 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1001/QĐ-TTg về việc giải thể Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, chuyển các chức năng quản lý nhà nước về Dân số, Gia đình và Trẻ em của Ủy ban này sang các Bộ có liên quan thực hiện, bao gồm:
+ Công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình chuyển về Bộ Y tế và được lập thành Tổng cục trên cơ sở tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức chuyên môn của Vụ Dân số và đơn vị liên quan thuộc Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em trước đây;
+ Công tác Bảo vệ và chăm sóc trẻ em chuyển về Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và được lập thành Cục trên cơ sở bộ máy và đội ngũ công chức chuyên môn của Vụ Trẻ em thuộc Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em;
+ Công tác Gia đình được chuyển về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý. Vụ Gia đình được chuyển nguyên trạng cả về bộ máy, đội ngũ công chức và nhiệm vụ từ Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em trước đây.
Sau khi Vụ Gia đình chuyển về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để hoàn thiện bộ máy QLNN về gia đình, Chính phủ ban hành các Nghị định 185/2007/NĐ-CP, 76/2013/NĐ-CP, 79/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các Nghị định trên quy định ngoài quy định về QLNN về văn hóa, thể dục, thể thao, du lịch còn quy định QLNN về gia đình.
Ngoài ra, năm 2013 Chính phủ còn ban hành Nghị định số 02/2013/NĐ-CP quy định các nội dung về công tác gia đình.
Theo đó, bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác về gia đình được hình thành từ trung ương đến cấp xã.