Từ khi Luật Phòng, chống BLGĐ ra đời và có hiệu lực đã được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm triển khai sâu rộng, nhờ đó việc thực hiện đạt nhiều chuyển biến tích cực. Nhằm từng bước ngăn ngừa tình trạng BLGĐ, Quảng Ninh đã chủ trương đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống BLGĐ bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Từ nhiều năm qua, tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố đã và đang trở thành vấn đề nhức nhối, nhận được sự quan tâm của toàn xã hội.
Đây là một dạng tệ nạn gây nên hậu quả xấu ở nhiều mức độ và hình thức khác nhau, có tác động tiêu cực đến đời sống của các thành viên trong mỗi gia đình và cả xã hội. Không chỉ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tâm lý, cảm xúc của con người, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em vốn được xem là những người yếu thế trong gia đình; đồng thời, BLGĐ còn làm tăng thêm gánh nặng đối với hệ thống y tế và các cơ quan tư pháp trên địa bàn.
Với quan điểm đầu tư cho gia đình chính là đầu tư cho sự phát triển bền vững, thời gian qua, các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh đã thường xuyên quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới, phòng chống BLGĐ. Các đơn vị Sở, ngành, địa phương tích cực phối hợp với các tổ chức Hội, đoàn thể trong tỉnh đẩy mạnh việc thực hiện chương trình bằng nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp; xem đây là một trong những mục tiêu xuyên suốt của tiến trình phát triển ở các địa phương.
Cùng với sự nỗ lực, quyết tâm thực hiện của các cấp, các ngành chức năng; bên cạnh đó, còn huy động được sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng và xã hội, 10 năm qua, công tác về bình đẳng giới và phòng chống BLGĐ trong tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Theo đó, tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương cùng các tổ chức Hội, đoàn thể xây dựng các chương trình, kế hoạch ngay từ đầu năm nhằm triển khai tốt “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” sao cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Bổ sung các tiêu chí là một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến lược vào hương ước, quy ước của các thôn, bản, khu phố cũng như quy chế dân chủ tại các cơ quan, đơn vị để quán triệt và triển khai thực hiện gồm: Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc…
Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 19.860 buổi tuyên truyền, phổ biến về: Công tác gia đình; xây dựng văn hóa gia đình; Luật Phòng, chống BLGĐ; kỹ năng ứng xử, kỹ năng xử lý tình huống khi có BLGĐ cho 1.142.400 lượt người tham dự. Vào những dịp Lễ, ngày kỷ niệm, chương trình ra quân truyền thông còn tổ chức tuyên truyền bằng hình thức trực quan với 9.862 lượt băng rôn, khẩu hiệu, hơn 800 pano, áp phích treo trên các tuyến đường giao thông nông thôn.
Ngoài ra, thông qua hệ thống loa truyền thanh và đài truyền thanh, truyền hình ở cơ sở, các ngành còn phối hợp phát hơn 1.573 tin, bài có nội dung về công tác phòng, chống BLGĐ; tổ chức 184 Hội nghị chuyên đề về phòng, chống BLGĐ, kế hoạch hóa gia đình cho 20.080 lượt người tham dự…
Toàn tỉnh hiện có 793 Câu lạc bộ, 672 nhóm phòng, chống BLGĐ; 1.893 cộng tác viên tại thôn, bản, khu phố; 1.572 tổ hòa giải (100% khu dân cư có tổ hòa giải) với tổng số 9.117 hòa giải viên; xây dựng được 1.349 cơ sở khám, chữa bệnh có nơi bố trí tạm lánh cho các nạn nhân BLGĐ; 266 cơ sở bảo trợ xã hội; 331 cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ. Trong 10 năm qua (từ năm 2008- 2018), đã có 244 nạn nhân BLGĐ được khám và chăm sóc tại các cơ sở khám, chữa bệnh; 78 nạn nhân được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế.
Nhờ hoạt động tích cực và tính hiệu quả của mô hình các Câu lạc bộ, tổ hòa giải ở khu dân cư, của các cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGĐ trên địa bàn, từng năm, số các vụ việc BLGĐ đã có xu hướng giảm dần xuống. Từ năm 2010 đến năm 2017 giảm được 150 vụ việc…
Đồng thời với đó, công tác kiểm tra, xử lý các hành vi BLGĐ cũng được các cấp, các ngành trong tỉnh đẩy mạnh và tiến hành thường xuyên. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện, điều tra, xử lý 463 vụ khởi kiện liên quan đến BLGĐ; đã có 58 trường hợp bị xử lý hình sự, 46 bị can bị đưa ra truy tố xét xử, 7 bị can bị đình chỉ…
Để góp phần vào việc triển khai Luật phòng chống BLGĐ, Hội ND tỉnh cũng đã xây dựng các chương trình, kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật theo từng năm. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai việc thực hiện trong hệ thống Hội các cấp.
Đến nay, các cấp Hội đã phối hợp với ngành chức năng trên địa bàn tổ chức 11.807 buổi tuyên truyền cho hơn 740.455 lượt hội viên, nông dân nghe và học tập các kiến thức về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà trong đó có những nội dung của Luật phòng chống BLGĐ.
Thông qua hoạt động của mô hình các Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật, các cấp Hội trong tỉnh đã phối hợp tổ chức 475 buổi tư vấn về pháp luật, trợ giúp pháp lý cho trên 12.195 lượt hội viên, nông dân. Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng phối hợp với chính quyền cùng cấp tham gia giải quyết 512 đơn thư khiếu nại, tố cáo, trong đó có nhiều đơn thư liên quan đến tình trạng BLGĐ; đã hòa giải thành được 1.134 vụ việc trong hội viên, nông dân.
Một cách làm hay, sáng tạo đem lại hiệu quả trong công tác giải quyết các vụ việc BLGĐ chính là các cấp, các ngành phối hợp tốt với tổ chức Hội, đoàn thể trong tỉnh tích cực xây dựng và sử dụng mô hình bồi dưỡng các hòa giải viên là nam giới. Việc làm này đã giúp tạo được sự thay đổi ngay từ trong nhận thức, hành vi của nam giới đối với công tác bình đẳng giới, tiến tới đẩy lùi tư tưởng trọng nam khinh nữ.
Từ các vụ việc được hòa giải thành công đã góp phần giải quyết mâu thuẫn, xích mích trong gia đình khi mới phát sinh nhằm phòng, chống BLGĐ hiệu quả.
Đánh giá về những kết quả đạt được trong việc triển khai, thi hành Luật Phòng, chống BLGĐ 10 năm qua của tỉnh, đồng chí Vũ Thị Thu Thủy- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh khẳng định: Hiện nay, tuy số vụ việc BLGĐ được phát hiện trên địa bàn có giảm xuống song vẫn còn tiềm ẩn một số vụ việc có tính chất nghiêm trọng và diễn biến phức tạp. Do đó, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức Hội, đoàn thể trên địa bàn cần quan tâm sát sao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tuyên truyền phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn… Đặc biệt, cần quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền cho các đối tượng là thanh, thiếu nhi; dành nhiều nguồn lực cho hoạt động này. Cùng với đó, tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống BLGĐ, sớm đưa các vụ BLGĐ ra xử lý công khai.
Đồng thời, các địa phương cần chủ động bố trí kinh phí hàng năm cho công tác gia đình, công tác phòng, chống BLGĐ. Các Sở, ngành, Hội đoàn thể căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ cụ thể của ngành mình để xây dựng kế hoạch triển khai Luật phòng, chống BLGĐ cho phù hợp. Để tăng tính hiệu quả, cần lồng ghép với các hoạt động chuyên môn; xem xét đưa tiêu chí phòng, chống BLGĐ vào công tác thi đua khen thưởng của ngành; tham mưu rà soát lại các văn bản sao cho phù hợp với thực tiễn.
Để ngăn ngừa, phòng chống tình trạng BLGĐ tiếp diễn, góp phần bảo vệ các gia đình- tế bào của xã hội, nhất thiết cần có sự chung tay, cùng vào cuộc tích cực hơn nữa của tất cả các cơ quan, ban ngành và của toàn xã hội; làm sao để có thể phòng ngừa được BLGĐ ngay từ cộng đồng. Đó chính là biện pháp hữu hiệu nhằm gỡ được nút thắt ngay từ gốc rễ của vấn đề.
Chung Thủy (nguồn: hoinongdan.org.vn)