Ngày 28 tháng 8 năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ đã xây dựng Báo cáo số 200/BC-SVHTTDL về việc Tổng kết Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và các văn bản, đề án về công tác gia đình giai đoạn 2010-2020
Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện Quyết định số 629/QĐ- TTg, Nghị quyết số 81/NQ-CP, Nghị định số 02/2013/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của tỉnh, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân đã có sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức cũng như hành động về tầm quan trọng của công tác xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; về công tác xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc gắn với việc xây dựng gia đình văn hóa. Xác định công tác gia đình là nội dung quan trọng, nhiệm vụ thường xuyên, các sở, ngành, đoàn thể thực hiện lồng ghép các nội dung công tác gia đình gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Các địa phương đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các hoạt động nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình và Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), chỉ đạo lồng ghép công tác phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới vào thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân văn hóa; hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện tiêu chí gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ trở thành một tiêu chí bình xét danh hiệu gia đình văn hóa. Từ đó, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ và nhân dân về gia đình, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc, giữ gìn sự chung thủy giữa vợ và chồng; lòng hiếu thảo của con cháu đối với cha mẹ, ông bà; sự tôn kính, biết ơn tổ tiên; sống có nghĩa, có tình với anh em, họ hàng, làng xóm, đồng thời tiếp thu những tư tưởng tiến bộ, tôn trọng và thực hiện quyền bình đẳng giới…Các ngành, đoàn thể đã lồng ghép và sử dụng có hiệu quả kinh phí các chương trình về Dân số – kế hoạch hoá gia đình, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hoá, bảo vệ chăm sóc trẻ em, xóa đói, giảm nghèo, phòng chống tội phạm và ma tuý… góp phần thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra trong Chiến lược xây dựng gia đình tỉnh Phú Thọ đến năm 2020.
Công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình được các cấp uỷ đảng, chính quyền chú trọng, coi đây là nhiệm vụ quan trọng đối với công tác gia đình và được thực hiện lồng ghép vào các kế hoạch, chương trình liên quan về công tác gia đình.
Hoạt động tuyên truyền, vận động, giáo dục về những kiến thức, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạo đức, lối sống trong gia đình, các kỹ năng ứng xử… liên quan đến gia đình được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng và phong phú, thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân.
Đến nay trên địa bàn tỉnh Phú Thọ 100% xã, phường, thị trấn đã thành lập được mô hình phòng, chống bạo lực gia đình. Toàn tỉnh đã thành lập 877 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; các địa chỉ tin cậy đã trở thành nơi tiếp nhận nạn nhân bị bạo lực gia đình; hỗ trợ nạn nhân về động viên tinh thần, chăm sóc y tế, hoặc hỗ trợ một số nhu cầu thiết yếu phù hợp với điều kiện thực tế của cơ sở; tư vấn, giúp đỡ cho nạn nhân những vấn đề liên quan đến tình trạng bị bạo lực; bố trí nơi ở tạm lánh cho nạn nhân trong trường hợp nạn nhân không có chỗ ở khác để tránh những hành vi bạo lực tiếp theo của người gây bạo lực. Các mô hình câu lạc bộ về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình được xây dựng, duy trì và ngày càng được nhân rộng tại địa bàn dân cư, hoạt động lồng ghép vào các mô hình câu lạc bộ khác với hình thức và nội dung sinh hoạt phong phú đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về phòng, chống bạo lực gia đình, tố cáo các hành vi bạo lực gia đình, từng bước giảm thiểu, đẩy lùi, ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình, duy trì ổn định trật tự xã hội, khẳng định vai trò quan trọng của gia đình đối với cộng đồng, xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác gia đình còn có những khó khăn, hạn chế như: Công tác tuyên truyền giáo dục ở một số địa phương còn hình thức, chưa phong phú, chưa thực sự tác động mạnh mẽ để làm thay đổi nhận thức và chuyển đổi hành vi của nhân dân đối với công tác gia đình. Tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình vẫn còn diễn ra. Đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình thay đổi thường xuyên nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Cán bộ làm công tác gia đình chưa được đào tạo chuyên ngành về gia đình và phải kiêm nhiệm nhiều việc khác nhau. Công tác tham mưu, định hướng, chiến lược, dự báo tác động đối với lĩnh vực còn hạn chế. Các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động chưa thường xuyên, hiệu quả; Một số địa phương chưa thực sự quan tâm tới tổ chức hoạt động của các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình.