Tại các vùng dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em gái đang phải chịu bất bình đẳng kép.
Tại những vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số Việt Nam đang hàng ngày phải đối mặt với nguy cơ nghèo đói, bệnh tật, bạo lực và thậm chí là xâm hại. Vậy các cấp chính quyền cần có những biện pháp như thế nào để giải quyết vấn đề này?
Hứng chịu bất bình đẳng kép
Kết quả phân tích số liệu từ cuộc kết quả khảo sát quốc gia năm 2015 về tình hình kinh tế xã hội của 53 dân tộc tại Việt Nam cho thấy bất bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực như: kinh tế, lao động, giáo dục, y tế, xã hội…
Theo kết quả nghiên cứu, phân công lao động trong đồng bào dân tộc thiểu số có xu hướng gắn với những đặc điểm giới và quan niệm về giới bất lợi cho phụ nữ. Trong kinh tế và phân công lao động phụ nữ bất lợi hơn, nên thường yếu thế hơn trong vai trò ra quyết định. Trong khi 74% hộ gia đình dân tộc thiểu số có nam giới đứng tên độc lập về quyền sở hữu đất đai và tín dụng thì tỷ lệ này ở người Kinh chỉ là 41%.
Tại vùng dân tộc thiểu số tình trạng bỏ học của học sinh diễn ra phổ biến, đặc biệt là việc duy trì việc học lên cấp trung học phổ thông. Nam dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên biết đọc biết viết là 86,3%, trong khi đó tỷ lệ nữ chỉ 73,4% biết đọc biết viết.
Thông thường, những trường hợp bỏ học thường tảo hôn hoặc có nguy cơ tảo hôn. Điều đáng lo ngại là ở độ tuổi dưới 16, trẻ em nữ dân tộc thiểu số kết hôn cao gấp 3,4 lần trẻ em nam (685 em trai và 2.306 em gái). Bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc) cho biết trong khi nhiều trẻ em nam dân tộc thiểu số sau khi kết hôn vẫn tiếp tục đi học thì hầu hết trẻ em nữ phải nghỉ học ở nhà để thực hiện các “thiên chức” của phụ nữ. Với quan niệm truyền thống coi trọng con trai hơn con gái, nên tại nhiều dân tộc thiểu số ưu tiên học hành của các gia đình thường dành cho con trai.
Phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số không chỉ chịu thiệt thòi trong gia đình, xã hội, các điều kiện cơ bản của cuộc sống trên cơ sở những quan niệm lạc hậu mang tính định kiến giới mà còn phải cam chịu bạo lực trên cơ sở giới. Bạo lực trong gia đình dân tộc thiểu số xảy ra khá phổ biến, đặc biệt ở gia đình những dân tộc phụ hệ.