Tình trạng xâm hại trẻ em trong những năm gần đây đang có xu hướng tăng, gây bức xúc dư luận, đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, tâm sinh lý, sự phát triển của trẻ em, sự bình yên, hạnh phúc của mỗi gia đình.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trẻ em bị xâm hại lại phần lớn xuất phát từ yếu tố gia đình. Thực tế hiện nay, nhiều bậc cha mẹ chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của họ và gia đình trong bảo vệ, chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em. Bản thân cha mẹ chưa dành nhiều thời gian chăm sóc, gần gũi con cái, hạn chế trong trao đổi với trẻ về các nguy cơ bị xâm hại, thiếu trách nhiệm với trẻ… do đó khi bị xâm hại đa phần các em đều có tâm lý sợ hãi, mặc cảm, tự ti, nên không dám chia sẻ, không dám tố giác kẻ phạm tội, trẻ rơi vào trạng thái hoảng sợ và cảm thấy bế tắc.
Để phòng chống xâm hại trẻ em đạt hiệu quả cần phải có sự vào cuộc của các ban, ngành chức năng, đoàn thể, trong đó gia đình có vị trí hết sức quan trọng. Bởi gia đình là môi trường sống đầu tiên, là nơi hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người cũng như là chốn bình yên nhất của mỗi người. Do đó, mỗi gia đình, thành viên gia đình, đặc biệt là những bậc cha mẹ trước hết phải hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc phòng, chống xâm hại cho con, cháu của mình.