Trước hết cần phải khẳng định rằng, internet có ý nghĩa vô cùng lớn đối với đời sống của chúng ta hiện nay. Nếu biết khai thác, sử dụng internet hợp lý, khoa học thì sẽ hỗ trợ cho trẻ rất nhiều trong việc học tập, vui chơi giải trí, kết nối bạn bè, nâng cao kiến thức xã hội…. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ phát triển internet nhanh nhất khu vực châu Á Thái bình dương; trong đó trẻ em ngày càng được tiếp cận với internet sớm và thường xuyên. Tuy nhiên, phần lớn trẻ em tự học cách dùng Internet hoặc học từ bạn bè, rất ít học từ cha mẹ mình (hoặc nhà trường (11%). Hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng Công nghệ thông tin, không dạy về sử dụng mạng an toàn. Vì vậy, trẻ em phải đối mặt với nguy cơ rất lớn bị xâm hại trên môi trường mạng. Để hạn chế thấp nhất nguy cơ này, cha, mẹ và người thân trong gia đình cần thực hiện những việc cơ bản sau:
Hướng dẫn trẻ nguyên tắc, kỹ năng khi sử dụng mạng. Tùy vào thực tế, có thể đặt ra nguyên tắc yêu cầu trẻ thực hiện như: Thời gian tối đa được sử dụng mạng trong ngày. Thời gian này bao gồm cả thời gian vào để học tập, nghiên cứu tài liệu; chơi điện tử trực tuyến; xem các chương trình, video giải trí; vào các tài khoản mạng xã hội.. Thời gian có thể từ 30- 60 phút/ ngày; nếu trẻ đang tham gia các lớp học trực tuyến hoặc vào ngày cuối tuần có thể thời gian sẽ kéo dài hơn nhưng không được quá 120 phút/ ngày; Trẻ không được phép đi gặp người quen trên mạng khi không được sự đồng ý cha, mẹ; Tài khoản mạng xã hội của trẻ không đăng tải, chia sẻ những hình ảnh thông tin hoặc có những bình luận không phù hợp với lứa tuổi; không đăng chi tiết và quá nhiều những thông tin cá nhân của mình và gia đình; Chỉ kết bạn trên mạng với những người trẻ có thông tin; không chia sẻ hình ảnh hay thông tin cá nhân của mình cho người quen biết trên mạng xã hội.
Kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng mạng internet, mạng xã hội của trẻ; sử dụng các phần mềm để chặn/khóa kênh không phù hợp với trẻ em; theo dõi lịch sử truy cập website, tra cứu google, các video đã xem trên youtube… sớm phát hiện những bất thường trong việc sử dụng mạng của trẻ để sớm có biện pháp can thiệp. Tuy nhiên cần lưu ý, trẻ có tính tò mò, làm theo bạn bè nên có thể xem hoặc tra cứu những tin tức, phim ảnh hoặc đăng tải những hình ảnh không phù hợp với lứa tuổi. Khi biết được điều này, cha, mẹ không nên mất bình tĩnh, la mắng trẻ, coi đó là hành động xấu xa, cấm trẻ sử dụng mạng. Điều này khiến trẻ cảm thấy bất mãn, sẽ sử dụng mạng kín đáo, không để cha mẹ biết vì hiện nay rất dễ dàng để truy cập mạng, do đó điều quan trọng là hướng dẫn trẻ sử dụng như thế nào để an toàn và hiệu quả chứ không thể cấm, không cho sử dụng.
Thường xuyên trò chuyện với trẻ về việc sử dụng mạng internet như: Những lợi ích của internet, những trang web hay, hữu ích dành cho trẻ; những nguy cơ và kỹ năng phòng, chống xâm hại trên mạng; về người bạn mà trẻ quen trên mạng…
Không coi máy tính, điện thoại như “người trông giữ” trẻ; hạn chế việc sử dụng các thiết bị điện tử khi ở nhà mà hãy cùng học cùng chơi, trò chuyện với trẻ hoặc đọc sách để vừa có thể mở rộng kiến thức, vừa là tấm gương cho trẻ noi theo.
Thường xuyên trò chuyện, quan tâm đến mọi sự thay đổi của trẻ; tạo sự tin tưởng để trẻ có thể chia sẻ thông tin, vấn đề mà trẻ gặp phải khi sử dụng internet để hỗ trợ kịp thời