Gia đình là môi trường sống đầu tiên và quan trọng nhất; đó phải là nơi bình yên nhất, là nơi chốn yêu thương của mỗi người. Tuy nhiên trên thực tế, trẻ em có thể bị xâm hại ngay tại trong gia đình bởi các thành viên gia đình, người quen biết, thậm chí người lạ. Để phòng, chống xâm hại, bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ bị tổn thương khi ở nhà, cha mẹ và các thành viên gia đình cần lưu ý những điểm sau:
Với trẻ dưới 8 tuổi
Không để trẻ ở nhà 1 mình; luôn có có ít nhất 1 người trong gia đình có khả năng và trách nhiệm chăm sóc, trông coi trẻ.
Với những gia đình phải thuê và để trẻ ở nhà với người giúp việc thì cần tìm hiểu, lựa chọn cẩn thận, kỹ càng; nắm rõ về lý lịch, gia đình, địa chỉ nhà và quê quán của người giúp việc; thường xuyên giám sát công việc chăm sóc trẻ (qua camera và các thành viên khác trong gia đình, hàng xóm…), đặc biệt trong thời gian đầu.
Cha mẹ nên trao đổi, cung cấp một số kiến thức, yêu cầu cơ bản với người chăm sóc, trông coi trẻ khi ở nhà như: Không được đụng chạm phần nhạy cảm của trẻ trừ khi làm vệ sinh cá nhân; không ôm ấp thơm nựng nếu trẻ cảm thấy không thoải mái; không để người mới quen vào nhà; không để trẻ ở một mình hoặc ngoài tầm quan sát của người trông trẻ với người khác…
Tuy nhiên việc trao đổi này đặc biệt với ông, bà của trẻ cần phải có sự khéo léo, phù hợp, tránh gây mâu thuẫn trong gia đình. Vì nhiều người cao tuổi vẫn có thói quen thể hiện tình yêu thương qua việc đụng chạm phần nhạy cảm của trẻ, nhất là với bé trai; coi đây là điều bình thường, “có yêu mới làm vậy” và không gây ảnh hưởng gì đến trẻ. Cha mẹ có thể nói với ông, bà không nên đụng chạm phần nhạy cảm của trẻ vì hiện nay tình trạng xâm hại trẻ em diễn ra nhiều, nếu ông bà làm vậy sẽ làm cho trẻ hiểu việc đụng chạm là bình thường, là thể hiện tình cảm với trẻ. Do đó trẻ sẽ không phản ứng khi bị người khác đụng chạm, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Với những trẻ lớn hơn 8 tuổi
Nếu có thể sắp xếp được, tốt nhất cha mẹ nên để ít nhất 1 người trong gia đình có khả năng và trách nhiệm chăm sóc, trông coi trẻ. Tuy nhiên, trên thực tế do điều kiện không cho phép, nhiều trẻ em trên 8 tuổi (thậm chí nhỏ hơn) đã phải ở nhà một mình, đặc biệt tại các thành phố lớn và trong dịp hè, trẻ được nghỉ học. Khi đó, cần lưu ý, hướng dẫn trẻ những điều sau:
Hướng dẫn trẻ không được mở cửa cho người khác vào nhà (trừ thành viên trong gia đình và khi có ý kiến của cha, mẹ). Với trường hợp họ hàng mà trẻ đã biết, thường xuyên tiếp xúc đến nhà chơi đột xuất, trẻ cần gọi điện cho cha, mẹ để thông báo. Với trường hợp tự xưng là họ hàng, người quen của cha mẹ nhưng trẻ không biết/ không nhớ thì trẻ cần gọi điện xin ý kiến cha/mẹ rồi mới mở cửa và khi đó, cha/mẹ nên sắp xếp công việc để về nhà (nếu cần). Trong những trường hợp như trên, cha mẹ cần có sự hướng dẫn, trao đổi chi tiết với trẻ để vừa có thể đảm bảo an toàn, phòng, chống xâm hại nhưng cũng không tạo cho trẻ sự nghi ngờ, mất niềm tin hay ảnh hưởng đến mối quan hệ trong gia đình, dòng họ, nhất là khi họ hàng ở quê ra chơi. Lưu ý với trẻ, với bất kỳ ai mà khi trẻ nói gọi điện cho bố, mẹ để thông báo, hỏi ý kiến nhưng người đó phản đối hoặc nói “đã bảo với bố, mẹ cháu/em rồi” thì nhất định không mở cửa, không đi theo và phải gọi ngay cho bố, mẹ.
Dạy trẻ nhớ số điện thoại, địa chỉ nơi làm việc của cha, mẹ hoặc người có thể hỗ trợ trẻ khi cần. Trang bị cho trẻ phương tiện liên lạc sử dụng ở nhà khi cần thiết.
– Yêu cầu trẻ khi ở nhà không được tự ý đi chơi; nếu có bạn rủ hoặc muốn sang nhà họ hàng/ bạn bè/ hàng xóm chơi cần gọi xin ý kiến và được sự đồng ý của cha, mẹ.
Kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng mạng internet, mạng xã hội của trẻ; sử dụng các phần mềm để chặn/khóa kênh không phù hợp với trẻ em; theo dõi lịch sử truy cập website, các video đã xem trên youtube… chỉ cho trẻ sử dụng internet khi có sự giám sát của người lớn trong gia đình.
Nếu có điều kiện, nên lắp camera tại cổng, phòng khách để thuận lợi trong việc kiểm tra, theo dõi trẻ khi ở nhà một mình.
Thường xuyên trò chuyện, chia sẻ với trẻ về những việc diễn ra trong ngày của trẻ, những nguy cơ và các kỹ năng để phòng, chống xâm hại. Việc trò chuyện, chia sẻ về những nguy cơ và kỹ năng phòng, chống xâm hại nên được diễn ra thường xuyên, không nhất thiết phải cố định là một cuộc nói chuyện về chủ đề này mà có thể linh hoạt để trẻ có thể tiếp thu rất tự nhiên. Ví dụ khi xem phim/ tin tức thời sự có nội dung liên quan, cha mẹ có thể cùng trẻ bàn về vấn đề này, đưa ra những tình huống giả định “nếu con gặp trường hợp như thế, con sẽ làm gì/ không nên làm gì, nếu con làm như này con sẽ tránh được vấn đề gì hoặc chịu hậu quả gì… ”. Trong đó, hãy luôn để trẻ biết rằng có chuyện gì hãy kể lại, cha mẹ và gia đình luôn tin tưởng và bảo vệ trẻ.