Gia đình thực hiện chức năng kinh tế, tạo ra của cải vật chất, thu nhập để thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của các thành viên trong gia đình. Vì vậy, phát triển kinh tế gia đình tạo tiền đề vật chất đáp ứng nhu cầu của gia đình là mục tiêu phấn đấu, là nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình. Kinh tế thị trường tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực của đời sống xã hội và cá nhân, tạo ra thay đổi trong quan niệm và hoạt động kinh tế của mỗi gia đình và xã hội. Hộ gia đình được pháp luật quy định là một loại hình kinh tế. Các chính sách tín dụng, chính sách giảm nghèo, chính sách về đất đai, quản lý xã hội… đều lấy hộ gia đình làm đối tượng thụ hưởng.
Chính phủ đã có chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, cùng nhiều giải pháp để chăm lo đời sống nhân dân, song sự nỗ lực, vươn lên của mỗi người dân, của mỗi gia đình là giải pháp căn cơ, quyết định. Văn kiện Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ XIII tiếp tục nhấn mạnh giải pháp thúc đẩy kinh tế hộ. Khi kinh tế gia đình ổn định, phát triển sẽ tạo điều kiện để mỗi cá nhân có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa tốt hơn. Phát triển kinh tế gia đình trở thành yêu cầu thường xuyên của mỗi hộ gia đình. Nhiều gia đình không chấp nhận đói nghèo, đầu tư làm kinh tế để “đổi đời” nhanh chóng.
Tuy nhiên, kinh tế thị trường cũng kéo theo những tác động tiêu cực đến các giá trị gia đình truyền thống. Quan niệm thực dụng nảy sinh hành vi chạy theo vật chất, “kiếm tiền” bằng mọi cách đã làm rạn nứt mối quan hệ gắn bó giữa các thành viên trong gia đình. Vật chất, tiền bạc có thể trở thành thước đo giá trị như là một trong những triết lý, đạo lý, thậm chí là lối sống, nếp sống của một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ. Tình trạng cha mẹ lo làm ăn, kiếm tiền, ít có thời gian chăm sóc, giáo dục, quan tâm đến tình cảm, tâm lý của trẻ là nguyên nhân gia tăng tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Gia đình dễ đổ vỡ do mâu thuẫn về kinh tế, do tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa nhanh chóng.
Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đưa ra tiêu chí vận động xây dựng hộ gia đình không đói nghèo trong Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, đồng thời, tập trung các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp. Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đang được triển khai, hướng đến các nhóm hộ gia đình tham gia kinh tế tập thể, tổ nhóm liên kết, hợp tác xã. Lồng ghép các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế với tuyên truyền, vận động xây dựng gia đình no ấm. Hàng ngàn tổ nhóm liên kết, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ không chỉ tập trung sản xuất kinh doanh mà còn hướng các thành viên nâng cao kiến thức, kỹ năng giải quyết các vấn đề của gia đình, nuôi dạy con, tổ chức cuộc sống gia đình, xử lý hài hòa cân bằng gia đình và công việc. Hàng chục nghìn gia đình phụ nữ khó khăn được Hội hỗ trợ thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Các cấp Hội địa phương giúp đỡ, hỗ trợ con em, cha mẹ già để phụ nữ đi làm ăn xa yên tâm… Thực tiễn cho thấy, chăm lo hỗ trợ vốn, giải quyết được việc làm, đảm bảo sinh kế bền vững cho phụ nữ chính là giải pháp thiết thực để xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.