Thanh niên Việt Nam là một tầng lớp xã hội đặc thù, chiếm số đông trong dân số cả nước. Thanh niên Việt Nam không phải là một giai cấp nhưng có mặt ở cả giai cấp công nhân, giai cấp công nhân và độ ngũ trí thức; thanh niên không phải là một tầng lớp xã hội độc lập mà có mối quan hệ gắn bó với các tầng lớp khác trong xã hội; thanh niên có mặt ở tất cả các địa phương, các ngành kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò và vị trí của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Người biểu lộ niềm tin vững chắc vào thế hệ trẻ, là lớp người “xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội” và “trong mọi công việc thanh niên thi đua thực hiện khẩu lệnh “Đâu cần thanh niên có; Việc gì khó thanh niên làm”. Người động viên khích lệ: “Thanh niên phải xung phong đến những nơi khó khăn gian khổ nhất, nơi nào người khác làm ít hiệu quả, thanh niên xung phong đều làm cho tốt”.
Đảng xác định thanh niên giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát huy nhân tố và nguồn lực con người: “Đảng đặt niềm tin sâu sắc vào thanh niên, phát huy vai trò làm chủ và tiềm năng to lớn của thanh niên để thanh niên thực hiện được sứ mệnh lịch sử, đi đầu trong cuộc đấu tranh chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, xây dựng và bảo vệ đất nước giàu mạnh, xã hội văn minh”. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương khóa VII nêu rõ: “Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên”. Nghị quyết hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa X về “tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác thanh niên trong thờ kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa” đã khẳng định: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trước sự quan tâm, chăm lo và kỳ vọng lớn lao của Đảng và Nhà nước, hơn bao giờ hết, mỗi thanh niên cần nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm để không ngừng học tập và tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu để trở thành lực luợng xung kích thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng và bảo vệ vững chắc nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong đó có nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình, chăm lo xây dựng, gìn giữ phát triển gia đình ấm no, hạnh phúc, thanh niên luôn đóng vai trò quan trọng.
Một trong những hiện tượng đáng lo ngại nhất của tình trạng khủng hoảng trong các gia đình hiện nay là BLGĐ. BLGĐ vẫn lan rộng và trở thành vấn đề xã hội nghiêm trọng và phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. BLGĐ đã và đang gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, mà trước hết là vi phạm đến quyền con người, đền danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân. BLGĐ làm xói mòn đạo đức, mất tính dân chủ xã hội và ảnh hưởng đến thế hệ tương lai. Điều này đặt ra cho xã hội văn minh nhiệm vụ hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân của BLGĐ, đồng thời tìm ra những giải pháp hữu hiệu khắc phục và đi đến xóa bỏ hiện tượng này. Đối với lĩnh vực công tác xã hội, trước hết cần đổi mới chức năng, nhiệm vụ của các cơ sở bảo trợ xã hội, chuyển từ chăm sóc tập trung sang cung cấp dịch vụ công tác xã hội; thực hiện chăm sóc khẩn cấp tại các cơ sở bảo trợ xã hội, phát triển dịch vụ chăm sóc bán trú, xây dựng, hoàn chỉnh cơ chế, mô hình trợ giúp đối tượng học nghề, tìm việc làm, tổ chức cung cấp dịch vụ công tác xã hội, xây dựng cơ chế phối hợp, liên kết giữa cơ sở bảo trợ xã hội và hệ thống các cơ sở cung cấp dịch vụ khác… Để thực hiện được những vẫn đề này, thì không thể thiếu vai trò của đội ngũ thanh niên trong đó.
Bên cạnh đó, vai trò của thanh niên trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình như:
– Thứ nhất: Thanh niên tham gia vào công tác thông tin, tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức tiến tới chuyển đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân về bạo lực gia đình. Giáo dục bình đẳng giới phải được thực hiện ngay từ trong gia đình đến nhà trường và xã hội. Phải nâng cao nhận thức của cả hai giới về quyền và nghĩa vụ của họ trong mối quan hệ với các thành viên trong gia đình.
– Thứ hai: Thanh niên góp phần phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình; vai trò của họ hàng. Duy trì sự ổn định, đoàn kết và êm ấm trong gia đình; làm tốt công tác hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình. Ngăn chặn kịp thời và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân của bạo lực gia đình; cần trang bị cho nạn nhân sự hiểu biết để tự bảo vệ như: có nghề nghiệp, sự độc lập về tài chính, trình độ học vấn, ý thức vươn lên làm chủ bản thân và gia đình, kiến thức giữ gìn hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cái…
– Thứ ba: Thanh niên góp phần đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh; cần quan tâm xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá trong đó đưa tiêu chí không có bạo lực gia đình, không lạm dụng rượu bia, không có tệ nạn cờ bạc, ma tuý để công nhận gia đình văn hóa.
Việc phòng chống bạo lực gia đình, bảo vệ người phụ nữ, trẻ em, người yếu thế trong gia đình không phải là chuyện một sớm một chiều có thể giải quyết ngay được. Nó đòi hỏi phải có thời gian, mà điều tiên quyết là phải nâng cao dân trí, tích cực tuyên truyền đi đôi với việc thực hiện bình đẳng giới, thi hành luật và các chế tài nghiêm minh. Phòng chống bạo lực gia đình không phải là việc của một cá nhân hay một tổ chức độc lập mà là công việc chung, cần có sự kết hợp đồng bộ, sự phối hợp của các cơ quan hữu quan và cả hệ thống chính trị, cả xã hội vào cuộc mới mang lại hiệu quả thiết thực nhằm xây dựng xã hội văn minh tiến bộ, gia đình hạnh phúc, mà ở đó thanh niên đóng vai trò rất quan trọng.