Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc đưa các nhiệm vụ về thực hiện quyền trẻ em vào Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ công tác của đơn vị nhất là với các cơ quan, đơn vị có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện công tác trẻ em.
Việc bảo đảm nơi vui chơi, giải trí tập luyện thể dục thể thao cho trẻ em. Để bảo đảm nơi vui chơi giải trí cho em, nhất là trẻ em tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ tiếp tục chỉ đạo hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ cộng đồng thuộc ngành văn hóa, thể thao và du lịch quản lý bao gồm: Nhà Văn hóa – Khu thể thao thôn; Trung tâm Văn hóa – Thể thao cấp xã; Trung tâm Văn hóa – Thể thao cấp huyện; Trung tâm Văn hóa cấp tỉnh thực hiện nghiêm quy định dành 30% thời lượng hoạt động cho trẻ em. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở các cấp được quan tâm và cơ bản thực hiện tốt vai trò, chức năng hoạt động, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, học tập, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa, nhu cầu vui chơi giải trí của các tầng lớp nhân dân, trong đó đặc biệt chú trọng đến đối tượng là trẻ em và người cao tuổi. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã dành sự quan tâm đầu tư xây dựng, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho thiết chế văn hóa cấp xã, cấp thôn đáp ứng tiêu chí 06 trong Bộ tiêu chí quốc gia để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hệ thống này có ý nghĩa rất thiết thực với địa bàn dân cư, đặc biệt ở vùng nông thôn miền núi vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc… nơi còn khó khăn, hạn chế về các dịch vụ vui chơi giải trí, tập luyện thể thao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, vui chơi giải trí tiếp cận thông tin và sáng tạo các giá trị văn hóa của người dân ở cơ sở.
Bộ cũng ban hành quy định về chế độ ưu đãi, giảm giá cho trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại các danh thắng, các điểm du lịch, bảo đảm mọi trẻ em đều có quyền tham gia các hoạt động du lịch lành mạnh, an toàn.
Bảo đảm các điều kiện để trẻ em được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ phù hợp với lứa tuổi:
Để tạo điều kiện cho trẻ em được tiếp cận với những thông tin phù hợp với lứa tuổi, lành mạnh và bổ ích, trong lĩnh vực điện ảnh, hằng năm, Bộ đều cấp giấy phép phổ biến phim hoạt hình dành cho trẻ em; khuyến khích các hãng phim, các nhà sản xuất phim xây dựng những bộ phim có nội dung về trẻ em; thực hiện phân loại phim theo độ tuổi của khán giả để phù hợp với đối tượng trẻ em. Thực hiện giám định 12 kịch bản phim hoạt hình để đưa vào sản xuất, phục vụ thiếu nhi trong thời gian tới. Đồng thời, tăng cường hoạt động của đội chiếu phim lưu động, phục vụ nhu cầu của người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người và biên giới, hải đảo2 .
Hệ thống thư viện được kiện toàn, tăng cường hoạt động phục vụ thiếu nhi trong các thư viện công cộng. Đến nay, hệ thống thư viện phục vụ thiếu nhi đã được phát triển rộng khắp gồm: Thư viện thiếu nhi; Phòng đọc phục vụ thiếu nhi trong các thư viện cộng cộng cấp tỉnh, huyện; Thư viện thuộc các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông; Thư viện tư nhân; các thư viện khác có phục vụ trẻ em (thư viện trong các cung văn hóa, nhà văn hóa) với hơn 50% tổng số người sử dụng thư viện là trẻ em. Thư viện cấp tỉnh, cấp huyện thường xuyên tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm sách báo, hội thi vẽ tranh, giới thiệu sách trên đài phát thanh, truyền hình, tổ chức chiếu phim, các trò chơi dân gian, Liên hoan.
Hiện cả nước có: 66 Trung tâm văn hoá cấp tỉnh; 676/704 Trung tâm Văn hoá -Thể thao hoặc Nhà Văn hoá cấp huyện, đạt tỷ lệ 96%; 8.217/10.576 Trung tâm Văn hoá-Thể thao cấp xã, đạt tỷ lệ 77,6%; 77.408/98.455 Nhà Văn hoá cấp thôn, đạt tỷ lệ 78,6%; 228 đội chiếu phim lưu động thuộc các Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng. Tuyên truyền giới thiệu sách, thi tìm hiểu kiến thức qua sách báo… Nhiều tỉnh đã dùng xe thư viện lưu động phục vụ thiếu nhi vùng sâu, vùng xa – những vùng trẻ em ít có điều kiện tiếp cận với sách báo, thông tin, thu hút được đông đảo trẻ em đến đọc và nghiên cứu. Để đảm bảo nhu cầu đọc sách, tìm hiểu thông tin của trẻ em trong những ngày giãn cách xã hội vì dịch bệnh, Bộ đã cho ra mắt Kênh “Cùng bạn đọc sách” trên mạng xã hội Youtube. Trong đó, mục thiếu nhi cung cấp các câu chuyện và giới thiệu các cuốn sách hay, bổ ích cho trẻ em.
Thực hiện quyền trẻ em được tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, hàng năm, Bộ đã ban hành Kế hoạch và hướng dẫn các tỉnh, thành tổ chức các hoạt động thể thao cho trẻ em; đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể chỉ đạo, quản lý và đẩy mạnh các hoạt động thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, phòng chống đuối nước trong thanh thiếu nhi thông qua việc triển khai thực hiện Luật thể dục, thể thao và các văn bản, đề án, chương trình liên quan. Sau 2 năm bị gián đoạn bởi Covid-19, năm 2022, Bộ đã tổ chức Lễ khai mạc hè, Ngày chạy Olympic trẻ em và phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước năm 2022. Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng, chống đuối nước trẻ em, Bộ đẩy mạnh phong trào học bơi, dạy bơi trên cả nước; xây dựng những tài liệu truyền thông về học bơi và kỹ năng bơi an toàn cho các đối tượng, đặc biệt hướng đến trẻ em.