Thống kê của Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, trong 5 năm trở lại đây, số vụ bạo hành gia đình đều ghi nhận khoảng 20.000 vụ /năm. Theo số liệu báo cáo của các tổ chức phi chính phủ, cứ 2 – 3 ngày là có một vụ án mạng liên quan đến bạo hành gia đình và nạn nhân đa phần là phụ nữ và trẻ em. Còn theo số liệu từ các cuộc điều tra xã hội học gần đây, có 30% số hộ gia đình tham gia trả lời cho biết trong 12 tháng gia đình họ đã xảy ra ít nhất một hành vi được xác định là hành vi bạo hành gia đình. Cần lưu ý rằng tất cả các số liệu này đều có khả năng thấp hơn thực tế do người trả lời thường ngại nói với người khác về vấn đề bạo hành của người thân do xấu hổ, có tâm lý không muốn “vạch áo cho người xem lưng” và “xấu chàng hổ ai”, hay do chịu ảnh hưởng của những tư tưởng lạc hậu, định kiến khác.
Khi phải đối mặt với bạo hành gia đình, người phụ nữ có hai cách phản ứng. Phản ứng mạnh bao gồm các biểu hiện như kháng cự, đánh lại, trả thù, dùng võ mồm, ly hôn. Ngược lại, phản ứng yếu là tiếp tục im lặng, chịu đựng mọi đòn đánh, hành vi ngược đãi của người chồng cho dù hành vi ngược đãi của người chồng diễn ra thường xuyên, lặp đi lặp lại nhiều lần và đã có lúc người phụ nữ tưởng như hết khả năng chịu đựng.