Quan hệ giữa bố mẹ là quan hệ hôn nhân và quan hệ giữa bố mẹ và con cái là mang tính huyết thống. Nếu như quan hệ giữa bố mẹ là mang tính pháp lí và có thể xóa bỏ bằng pháp luật thì quan hệ giữa con cái (con đẻ) với bố mẹ là là quan hệ huyết thống, không một công cụ pháp luật nào có thể xóa bỏ được mối quan hệ này.
Trong xã hội truyền thống, do ảnh hưởng của tư tưởng đạo đức phong kiến hàng ngàn năm, mối quan hệ này thường chỉ được thừa nhận theo một chiều: con cái phải phục tùng cha mẹ: “tại gia tòng phụ”, “phu – tử”, “quân- thần” là cách ứng xử được thừa nhận rộng rãi.
Những tiến bộ về xã hội, pháp luật trên thế giới cũng như ở nước ta đã làm cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái từng bước trở nên dân chủ hơn. Quan hệ cha mẹ – con cái có sự khác biệt nhất định tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển khác nhau của con cái.
Khi con còn nhỏ tuổi, mối quan hệ giữa cha mẹ cà con cái tương đối đơn giản. Cha mẹ lao động làm ra của cải vật chất, cho con ăn, mặc, học hành. Vì các con còn nhỏ tuổi nên sự bảo ban của cha mẹ dường như dễ tác động hơn. Cuộc sống của các em cũng đơn giản theo một nếp sống bình thường là được cha mẹ yêu thương, được chăm sóc, nuôi dưỡng đầy đủ và đến tuổi đi học thì được đến trường.
Khi con cái bước vào tuổi vị thành niên, trong giai đoạn này, sự quan tâm của cha mẹ đối với con cái không dừng lại ở cái ăn, cái mặc như khi còn nhỏ nữa mà là sự đồng cảm với con. Đây là giai đoạn khó khăn của nhiều gia đình cả về phía cha mẹ và phía con cái.
Khi con cái đã thành niên, tuy còn sống chung với cha mẹ nhưng lúc này con cái đã trưởng thành và là một nhân cách độc lập, cha mẹ có thể có ý kiến góp ý, nhưng phải tôn trọng quyền quyết định của con cái, có thể định hướng cho con cái trong việc lựa chọn nghề nghiệp nhưng không ép buộc một cách cứng nhắc, chủ quan.
Mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái còn thể hiện ở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con cái. Những nghĩa vụ và quyền lợi này xuất phát từ lợi ích tinh thần, tình cảm thiêng liêng và gần gũi giữa cha mẹ và con trên nền tảng đạo lý được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Theo quy định của pháp luật nước ta, Luật Hôn nhân và gia đình, Điều 36 quy định: “Cha mẹ có nghĩa vụ thương yêu, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo cho việc học tập và giáo dục để giúp con phát triển làmh mạnh về thể chất và tinh thần, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội. Ngược lại, con cái phải có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ; chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, không được có hành vi xúc phạm, ngược đãi, hành hạ cha mẹ”.
Mối quan hệ cha mẹ – con cái là yếu tố cơ bản trong đời sống gia đình. Cha mẹ nuôi dưỡng chăm sóc, chia sẻ với con cái niềm vui cũng như khó khăn mà chúng gặp phải, định hướng cho con cái trong định hướng chọn nghề nghiệp tương lai… Ngày nay, sự mở rộng môi trường giao tiếp với bạn bè, xã hội và quá trình xã hội hóa con người có thông qua các thiết chế xã hội khác như nhà trường, câu lạc bộ… nhưng vai trò của cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái nên người và thành đạt vẫn đặc biệt quan trọng.
Quan hệ ông bà – cháu còn gọi là quan hệ thế hệ thứ nhất (ông bà) và thế hệ thứ ba (cháu). Đây là mối quan hệ thân thiết, gần gũi. Ông bà dạy bảo thêm cho các cháu, giúp đỡ con cái mình trong công việc gia đình, trông trẻ nhỏ, chăm sóc nhà cửa, vườn tược, truyền thụ kinh nghiệm sống, cách ứng xử đúng đắn… Ông, bà trong trường hợp này là người gần gũi, dìu dắt cháu, chăm nom cháu khi cha mẹ vắng nhà. Đứa trẻ nào cũng được sống trong tình yêu thương ấm áp của ông bà. Ngược lại, con cháu cũng là chỗ dựa về vật chất và tình cảm cho ông bà, để ông bà sống vui hơn, có ý nghĩa hơn.
Trong trường hợp ông bà và cháu không sống chung, mối quan hệ ông bà – cháu không phải mối quan hệ trực tiếp, hằng ngày, ông bà và các cháu chỉ gặp nhau trong những dịp lễ, tết hoặc qua thư từ… Mối quan hệ đó tuy không sâu sắc như mối quan hệ ông bà – cháu sống chung trong gia đình ba thế hệ nhưng tình cảm giữa ông bà và các cháu vẫn là tình cảm gần gũi, thân thiết, và là những kỷ niệm đẹp không thể nào quên.
Ngày nay, khi xã hội phát triển, cùng với các mối quan hệ xã hội khác, quan hệ ông bà – cháu trở nên phức tạp hơn. Sự khác biệt về quan niệm sống, về cách ứng xử giữa các thế hệ có thể là nguyên nhân gây nên những mâu thuẫn khó dung hòa, tạo không khí căng thẳng trong gia đình, thậm chí dẫn đến những bất hòa, xung đột.
Quan hệ họ hàng rất quan trọng trong đời sống gia đình vì nó tác động trực tiếp tới ông bà, cha mẹ. Quá trình hạt nhân hóa gia đình chưa kết thúc cả ở nông thôn và thành thị, sự phục hồi vị trí và các chức năng của dòng họ cũng với các thủ tục và phong tục mới làm cho các mối quan hệ của gia dình với họ hàng, anh em hai bên nội ngoại… ngày càng trở nên đa dạng và phong phú hơn.
Gương mẫu, yêu thương là tố chất cần thiết, quan trọng chi phối mọi hành vi của ông bà, cha mẹ, con cháu trong nhà. Ông bà, cha mẹ là đấng sinh thành nuôi dưỡng các thành viên nhỏ tuổi là con cháu tới khôn lớn. Ông bà, cha mẹ là người từng trải, có kinh nghiệm vốn sống, kỹ năng sống rất phong phú, đa dạng. Vốn quý này có thể truyền nối truyền dạy cho lớp trẻ trong gia đình nhất là tuổi nhỏ và lứa tuổi mới lớn. Để truyền dạy được tới lớp trẻ vấn đề đặt ra là sự nêu gương cùng với lòng yêu thương con cháu của ông bà, cha mẹ trong gia đình.
Trong gia đình ông bà cha mẹ trước hết phải là người mẫu mực nói như trong xã hội truyền thống là khuôn vàng thước ngọc để con cháu học tập tin cậy và noi theo. Tấm gương sáng ông bà, cha mẹ có tác động sâu sắc tới nhận thức, hành vi, suy nghĩ và tình cảm của con cháu.
Trong gia đình hòa thuận, đầm ấm yên vui, mọi cử chỉ lời nói của ông bà, cha mẹ dịu hiền, ấm áp thân thiện sẽ có tác động tốt trong sự hình thành tính cách, nếp sống con trẻ. Bác Hồ trong một câu thơ về chăm sóc trẻ em đã nói:
Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ biết học hành là ngoan.
Cái búp non tơ đó luôn lấy lá cành làm tấm gương sáng làm hình mẫu để bắt chước, để làm theo để được lớn lên trong tán cây xanh góp phần tỏa bóng xanh rợp mát.
Gương mẫu yêu thương con thể hiện ở chỗ hiểu biết cách thức kỹ năng nuôi dạy con cháu. Hiểu biết tâm lý tình cảm nhận thức của con cháu để có những tác động tích cực. Xử lý kịp thời đúng mức những thiếu sót lệch lạc của con trẻ phù hợp với điều kiện hoàn cảnh và lứa tuổi.
Câu ca xưa thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi về cách nuôi nấng, dạy dỗ con cháu đã không còn phù hợp. Trừng phạt đòn roi không còn là phương cách hữu hiệu mà đó chính là bạo lực. Làm cho trẻ dạn đòn, lì đòn không có sức thuyết phục không có tác dụng giáo dục. Đẩy trẻ đến thái độ phản ứng đối phó, lẩn tránh người lớn, che giấu khuyết điểm, lợi bất cập hại.
Trước những thói hư tật xấu của trẻ con nếu xẩy ra, các bậc ông bà cha mẹ cũng cần phải bình tĩnh, khéo léo xử lý phù hợp. Ông bà ta thường nói “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Sự gương mẫu thương yêu của ông bà cha mẹ là tấm gương sáng để con cháu soi vào, noi theo, vượt ra khỏi nỗi ám ảnh của những thói hư tật xấu.
Dạy dỗ cho con cháu kỹ năng, khả năng lao động, niềm say mê lao động sáng tạo từ những việc làm từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp đòi hỏi công phu tỉ mẩn là biểu hiện sống động của sự kết nối gương mẫu yêu thương. Cuộc sống gia đình gắn liền với hơi thở và trào lưu của xã hội. Lao động là môi trường rèn luyện rất tốt cho việc hình thành tính cách và khả năng thích ứng với cuộc sống mai sau của con trẻ. Hướng con cháu tham gia cùng với mình trong lao động gia đình và lao động ngoài xã hội trong đỉều kiện phù hợp là biểu hiện của sự gương mẫu, yêu thương để con trẻ khôn lớn trưởng thành thích ứng với cuộc sống nay mai.
Gương mẫu và yêu thương con trẻ của cha mẹ, ông bà đã truyền thống lâu đời. Ngay trong cảnh khốn khó bần hàn túp lều rơm ướt mưa đêm thì chỗ ướt cha mẹ nằm, chỗ ráo dành con. Ca dao xưa đã có những câu ứa nước mắt về tình mẫu tử, phụ tử:
Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng nước mắt nỉ non
Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng.
Ngày nay xã hội đã có những bước tiến đáng kể về vật chất, tinh thần và tri thức. Lòng yêu thương và sự gương mẫu của cha mẹ, ông bà với con cháu không những được coi trọng mà còn phát huy phát triển thêm nhiều góc độ. Yêu thương gương mẫu của ông bà, cha mẹ không chỉ trong không gian gia đình nhỏ hẹp và khi cháu con còn tấm bé. Trách nhiệm của bâc sinh thành còn vượt không gian khoảng cách, vượt qua lứa tuổi bảo trợ. Con cháu đi làm xa, đi học xa dù đã lớn khôn hơn nhưng vẫn không vượt ra ngoài tầm quan tâm lo lắng, kiểm tra, kiểm soát hỗ trợ giúp đỡ của ông bà, cha mẹ.
Đó còn là những việc làm thiết thực hơn của ông bà. Cha mẹ quan tâm đến thể chất, trí tuệ con cháu trong duy trì nòi giống với việc phát huy ưu thế tính trội của chọn lọc tự nhiên: Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống; Con chim có tổ, con người có tông, Con hơn cha là nhà có phúc; Có phúc đẻ con biết lội, có tội để con biết trèo…
Những thói hư tật xấu mà ông bà cha mẹ lỡ làng vấp phải làm lu mờ hoen ố tấm gương sáng của các bậc sinh thành cũng được phê phán lên án: Rau nào sâu nấy, Đời cha ăn mặn đời con khát nước… thật là chí lí để răn đời.
Ông bà, cha mẹ là người cổ vũ động viên con cháu, tạo môi trường tốt để con cháu rèn luyện trưởng thành, khôn lớn. Nguồn động viên khích lệ từ đấng sinh thành là động lực cho con trẻ phấn đấu vươn lên, không ỉ lại gia đình, không tự cao, tự mãn, để tự tin học tập, tu dưỡng, rèn luyện vượt qua mọi thử thách. Sự cổ vũ động viên kịp thời và môi trường phấn đấu rèn luyện tốt còn quý giá gấp ngàn lần những thứ của cải vật chất mà con cháu được thừa kế thừa hưởng. Bởi những thành quả về thể chất tâm hồn của trẻ nhờ sự động viên của ông bà cha mẹ sẽ là hành trang để con cháu tự tin vững bước vào đời.
Gương mẫu yêu thương động viên rèn luyện vừa là tình cảm vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ giản dị hàng ngày nhưng rất thiêng liêng và cao cả của ông bà, cha mẹ đối với con cháu. Đó là những tiêu chí ứng xử gia đình không thể thiếu được trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào nó là sợi dây bảo hiểm cho sự trường tồn vững chắc của mô hình gia đình mọi thời đại đó là dòng máu nóng, ngọn lửa thiêng của hạnh phúc gia đình.
Nhà văn Ngô Quang Hưng