Nghĩa vụ và quyền thể hiện mối quan hệ tình cảm giữa vợ và chồng – Điều 18 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “ Vợ chồng chung thủy, yêu thương, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau, cùng xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững”. Điều 19 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng có quy định: “ Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình” ở Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có thêm khoản 2 quy định cụ thể nghĩa vụ của vợ chồng: “Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác”. Vợ chồng có nghĩa vụ yêu thương, chung thủy với nhau. Tuy nhiên pháp luật không định nghĩa cụm từ: “chung thủy” là như thế nào? Nhưng hiểu theo tinh thần của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định thì nghĩa vụ chung thủy này là những hành vi mà người chồng (vợ) phải thực hiện thể hiện trách nhiệm của mình nhằm thể hiện tình cảm trước sau như một về cả mặt tình cảm, tình dục và tâm lý chỉ với người vợ hoặc người chồng của mình nhằm thực hiện, thể hiện trách nhiệm đối với gia đình. Để góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ hạnh phúc và bền vững. Bên cạnh mang lại sự tin tưởng của vợ và chồng đối với nhau tạo không khí gia đình hạnh phúc, ấm áp cho người vợ (chồng) mình, đồng thời xây dựng nên một bức tường vững chắc góp phần làm giảm sự vi phạm nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng cũng như phòng tránh căn bệnh thế kỉ AIDS, HIV mà một trong những nguyên nhân là do vi phạm nghĩa vụ chung thủy. Với mục đích của hôn nhân dưới chế độ xã hội chủ nghĩa là xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững và để đạt được mục đích đó thì điều cơ bản là hai người trong quan hệ hôn nhân phải yêu thương nhau, chung thủy với nhau, quý trọng nhau, chăm sóc giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Cơ sở xác lập quan hệ vợ chồng cũng có thể xuất phát từ tình yêu giữa nam và nữ họ yêu thương nhau, hiểu nhau và thông cảm cho nhau và khi họ quyết định xác lập quan hệ hôn nhân và trở thành vợ chồng của nhau khi đó tình cảm yêu thương đó vẫn được duy trì trong suốt thời kì hôn nhân. Đó không chỉ đòi hỏi về pháp luật mà còn là yêu cầu của đạo đức. Sự xuất phát từ tình yêu thương ấy mà vợ chồng giữ lòng chung thủy với nhau, tình cảm của họ trước sau như một. Yêu thương không phải là điều kiện đủ của chung thủy bởi bản chất của tình yêu là không thể chia sẻ, thế nhưng trong quan hệ đạo đức của nước ta thì yêu thương không phải là điều kiện cần của chung thủy vì nếu như không còn yêu thương nhau thì vợ chồng vẫn có thể chung thủy đối với nhau. Chính hai yếu tố yêu thương và chung thủy đã giúp cho vợ chồng chung sống hạnh phúc và là cơ sở duy trì quan hệ hôn nhân bền vững. Bên cạnh đó quy định về nghĩa vụ chung thủy của vợ chồng thể hiện quyền bình đẳng giữa vợ và chồng trong mối quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng, vì pháp luật quy định đây là nghĩa vụ của cả vợ và chồng mà không phải là nghĩa vụ riêng của vợ hoặc của chồng như quan niệm trong thời kì phong kiến nữa. Nghĩa vụ này được pháp luật quy định và xem như là một trách nhiệm của vợ chồng đối với nhau theo quan niệm về mặt đạo đức. Sự quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quyền bình đẳng giữa vợ, chồng trong các quan hệ nhân thân, đồng thời ngăn chặn vợ chồng có quan hệ nam-nữ bất chính bảo vệ hạnh phúc gia đình. yêu thương người khác không phải chồng hoặc vợ mình.
Tình yêu thương của vợ chồng không giống như tình yêu thương giữa cha mẹ và con, những người có quan hệ huyết thống nói chung, cũng như giữa những người bạn, những người đồng nghiệp. Đó là tình cảm gắn bó giữa hai con người khác giới trong cuộc sống chung. Hơn nữa không thể áp đặt nghĩa vụ yêu thương đối với vợ chồng (nghĩa là không thể buộc người vợ phải yêu thương người chồng và ngược lại), nhưng hoàn toàn có cơ sở để áp đặt nghĩa vụ chung thủy (nghĩa là buộc người vợ không được phản bội người chồng và ngược lại), ta sẽ thấy không thể có sự áp đặt nghĩa vụ chung thủy mang tính chất như một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, trong khung cảnh luật và đạo đức hiện nay. Luật không định nghĩa cụm từ chung thủy, vậy có nghĩa rằng cũng không có khái niệm pháp lý về sự không chung thủy. Ở điểm này thì phụ thuộc vào đạo đức, lối sống, phong tục, tập quán và dư luận xã hội điều chỉnh.
Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay, những quan niệm về tình yêu, hôn nhân, gia đình không còn mang nguyên ý nghĩa truyền thống. Mỗi thế hệ, mỗi cá nhân quan niệm khác nhau về cái gọi là “chung thuỷ” cái “nghĩa tình”. Luật hôn nhân và gia đình quy định đó là nghĩa vụ chung của hai vợ chồng. Và bên cạnh đó đã đưa ra những cơ chế nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ đó. Ở đây chúng ta thấy nảy sinh vấn đề: Một bên là tình cảm tự nhiên của con người và còn bên kia là những quy định luật pháp. Một cái mang tính bản năng tự nhiên và một cái mang tính xã hội.
Bản chất của quan hệ vợ chồng bao gồm tình yêu và nghĩa vụ. Như vậy, cái tự nhiên và cái xã hội luôn đan xen nhau, quan hệ biện chứng với nhau và không thể tách rời nhau. Chính vì vậy, trong quan hệ vợ chồng cả hai bên đều mong muốn được thể hiện tình yêu và phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhau, điều đó thể hiện sự chung thuỷ. Nếu một trong hai bên vợ, chồng hoặc cả hai bên lại thể hiện tình yêu với người khác, thực hiện nghĩa vụ với người khác thì đó là biểu hiện của sự không chung thuỷ, không tình nghĩa với nhau. Hiện nay, pháp luật đã quy định một số chế tài kèm theo khi vợ chồng vi phạm nghĩa vụ này đó là huỷ việc kết hôn trái pháp luật khi vi phạm nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng, tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng… Hoặc áp dụng xử phạt hành chính, áp dụng chế tài hình sự. Tuy vậy, việc áp dụng chế tài này chỉ được một số trường hợp khi có đủ những điều kiện nhất định. Trên thực tế có rất nhiều hành vi vi phạm nghĩa vụ chung thuỷ nhưng không thể áp dụng chế tài với họ được.
Thực tế hiện nay chúng ta thấy có mấy dạng vi phạm nghĩa vụ chung thuỷ làm ảnh hưởng đến tình nghĩa vợ chồng:
+ Vợ hoặc chồng có quan hệ tình cảm ngoài hôn nhân nhưng vẫn thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ với gia đình. Dạng vi phạm này thường không gây ra hậu quả nghiêm trọng về vật chất, bạo lực đối với gia đình. Tuy vậy có thể gây ra sự tổn thất về mặt tinh thần khá nặng nề. Sự vi phạm này có thể kéo dài liên tục, có thể công khai hoặc bí mật. Tuỳ theo từng trường hợp để xử lý theo quy định của pháp luật. Về vấn đề này có nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến thì cho rằng đã là vi phạm quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật thì nên xử lý thích đáng. Ý kiến khác thì lại cho rằng phải tuỳ từng trường hợp cụ thể mà xem xét có xử lý hay không. Chẳng hạn, trong thực tế có rất nhiều trường hợp do vợ hoặc chồng bị bệnh nằm liệt giường hoặc bị bệnh tâm thần. Người kia không muốn ly hôn mà vẫn tận tình chăm sóc, họ chỉ muốn có một quan hệ ngoài hôn nhân để bù đắp những khoảng trống trong họ mà thôi. Vậy nên chăng coi đây là một trường hợp ngoại lệ?
+ Vợ hoặc chồng có quan hệ tình cảm ngoài hôn nhân và không thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ với gia đình. Quan hệ này có thể công khai hoặc bí mật và có thể kéo dài hoặc nhất thời. Trường hợp này rõ ràng là có thể có nguy cơ gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn đối với gia đình so với trường hợp trên, do đó nên áp dụng hình thức xử lý thích hợp.
Tuy vậy, cả hai trường hợp trên đều rất khó xác định “ngưỡng” để áp dụng chế tài. Nếu họ kết hôn trái pháp luật thì có thể tiến hành huỷ việc kết hôn trái pháp luật đó; nếu họ chung sống như vợ chồng với người khác thì theo quy định của pháp luật chỉ tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng. Theo quan điểm của tôi, biện pháp xử lý như vậy là chưa đủ mà cần buộc họ phải chấm dứt hành vi chung sống như vợ chồng trái pháp luật.