Ngày 28 tháng 8 năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận đã xây dựng báo cáo số 236/BC-SVHTTDL về việc tổng kết Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và các văn bản, đề án về công tác gia đình giai đoạn 2010-2020
Theo đó, Báo cáo đã khái quát kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện công tác gia đình được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, công tác gia đình trên địa bàn tỉnh đã được các Sở, ban ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận tập trung triển khai, tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình hàng năm; Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình và Đề án 279 về phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Qua đó, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và cộng đồng về tầm quan trọng, vai trò, vị trí của gia đình và công tác gia đình trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc tuyên truyền về xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho mọi gia đình, thúc đẩy sự phát triển bền vững của gia đình tiến tới vì hạnh phúc và thịnh vượng của toàn xã hội.
Thông qua các hoạt động đã góp phần tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; đẩy lùi và xóa bỏ bất bình đẳng giới, thực hiện tốt việc phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh. Quán triệt tất các các ngành thực hiện tốt các nội dung chủ yếu của công tác phòng, chống bạo lực gia đình và bất bình đẳng giới. Bên cạnh đó, thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị, các ngành tại các huyện, thành phố thực hiện đạt hiệu quả công tác tuyên truyền với nội dung dễ hiểu và đảm bảo tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân nhất là vùng đông dân cư, khu vực là điểm nóng tiềm ẩn các tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về tố giác và phòng, chống bạo lực gia đình.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đơn vị đã đưa các chỉ tiêu về gia đình và công tác phòng, chống bạo lực gia đình vào quy chế để làm tiêu chuẩn xem xét, đánh giá cán bộ, đảng viên và thi đua khen thưởng hàng năm.
Nội dung công tác gia đình cũng được các địa phương chỉ đạo đưa vào quy ước của khu phố, xã phường, thôn một cách cụ thể để các hộ gia đình thực hiện qua đó nhận thức của người dân từng bước đã được nâng lên. Hoạt động của các mô hình, đề án lĩnh vực gia đình triển khai trong thời gian qua từng bước đem lại những hiệu quả thiết thực trong cộng đồng, thu hút sự quan tâm của người dân. Các hộ gia đình quan tâm đến việc xây dựng gia đình theo tiêu chí “Gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc” đã góp phần tích cực trong việc xây dựng gia đình văn hóa, làm nền tảng vững chắc cho phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác gia đình còn những khó khăn, hạn chế như:
Đối với công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện: Ở một số ít địa phương trong tỉnh, cấp ủy, chính quyền chưa đề ra giải pháp cụ thể để xây dựng và phát triển gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nhiệm vụ về công tác gia đình đa số lồng ghép với chương trình, nhiệm vụ về phát triển kinh tế – xã hội nên kết quả đạt được hàng năm chưa cao; bố trí kinh phí cho công tác gia đình ở các địa phương, các ngành trên địa bàn tỉnh còn hạn chế và chưa thống nhất. Các văn bản chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương nhất là cấp cơ sở còn chung chung, chưa thực sự sát với tình hình thực tế của địa phương vì vậy trong quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn. Công tác kiểm tra và tự kiểm tra ở cấp cơ sở còn chưa chủ động trong việc đánh giá sơ kết, tổng kết mà chỉ thực hiện khi có hướng dẫn và yêu cầu của cấp trên.
Công tác tuyên truyền, triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến bình đẳng giới, Vì STBPN, Công tác gia đình và trẻ em có lúc, có nơi chưa được thường xuyên; hình thức tuyên truyền chưa đa dạng hóa, nội dung chưa thiết thực, cụ thể, chỉ dừng lại ở hình thức tổ chức hội nghị, tập huấn, truyền thông ở khu dân cư và phân bổ tài liệu về các địa phương, Ban quản lý thôn.
Công tác phát hiện, thống kê báo cáo về nạn nhân bị bạo lực gia đình rất khó khăn, các cơ sở y tế báo cáo không đầy đủ, chưa phân tích được giới tính, độ tuổi cũng như hình thức bị bạo lực. Hầu hết bệnh nhân bị bạo lực còn e ngại không khai rõ tình trạng nhập viện.
Công chức làm công tác gia đình phải kiêm nhiệm nhiều việc nên việc tổ chức triển khai thực hiện công tác gia đình và việc triển khai Phòng, chống bạo lực gia đình gặp nhiều khó khăn.
Hoạt động tuyên truyền về giới, kiến thức phòng, chống bạo lực gia đình tại một số đơn vị chưa thường xuyên liên tục, đối tượng tham gia chủ yếu là nữ trong khi đó nam giới thường xuyên gây ra bạo lực lại ít tham gia; kinh phí cấp cho hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý còn thấp, không đảm bảo tổ chức truyền thông về cơ sở mỗi xã nghèo, xã bãi ngang, thôn đặc biệt khó khăn.
Đối với hộ gia đình: Việc thực hiện quy định pháp luật về hôn nhân ở một số gia đình chưa nghiêm, tình trạng bạo lực gia đình, kết hôn dưới tuổi pháp luật quy định; trẻ em bị xâm hại, trẻ em vi phạm pháp luật còn xảy ra ở một số địa phương, chưa được ngăn chặn triệt để. Nhiều vấn đề bức xúc của gia đình chưa được xử lý kịp thời; tình trạng ly hôn, chung sống không kết hôn, quan hệ tình dục trước hôn nhân, phá thai có chiều hướng gia tăng, tỷ lệ hộ gia đình sinh con thứ 3, hộ nghèo còn cao.
Đa số đối tượng được trợ giúp pháp lý về công tác gia đình là người nghèo, người dân tộc thiểu số, những đối tượng yếu thế trong xã hội, người khuyết tật tâm thần nên trình độ dân trí, nhận thức pháp luật hạn chế, tâm lý còn e ngại, thụ động, chưa hiểu hết về trợ giúp pháp lý nên ít có nhu cầu trợ giúp pháp lý.
Một số mô hình gia đình truyền thống (đa thế hệ) đã có dấu hiệu dần mai một, nhất là ở đô thị, dẫn đến công tác gia đình hiện đang đối mặt với nhiều thách thức; giá trị đạo đức, truyền thống tốt đẹp (như: hiếu, nghĩa, thủy chung, kính trên, nhường dưới,…) đang có biểu hiện bị phai nhạt ở một số gia đình.