Ngày 05 tháng 4 năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 69/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
Theo đó, mục tiêu chung nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 13/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025”. Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình, tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và nhân dân để từng bước giảm thiểu bạo lực gia đình, kịp thời hỗ trợ người bị bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh. Với mục tiêu Đạt 40% số hộ gia đình tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề về phòng, chống bạo lực gia đình do UBND cấp xã tổ chức tại các thôn, xóm, bản, tổ dân phố; Đạt trên 70% người có nguy cơ bị bạo lực gia đình được trang bị kiến thức, kỹ năng ứng phó khi bị bạo lực gia đình; Phấn đấu đạt 100% những người bị bạo lực gia đình khi phát hiện được bảo vệ, trợ giúp pháp lý và chăm sóc sức khỏe; Phấn đấu đạt trên 100% những người có hành vi bạo lực gia đình khi phát hiện được tư vấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng kiểm soát hành vi bạo lực; Đạt 100% xã, phường, thị trấn duy trì Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; Đạt 90% người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình các cấp được được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về phòng, chống bạo lực gia đình; Đạt 100% thôn, xóm, bản, tổ dân phố có cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em thực hiện các nhiệm vụ về phòng, chống bạo lực gia đình tại cộng đồng; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình có chuyên mục về phòng, chống bạo lực gia đình được phát sóng định kỳ.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, 05 nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh, gồm: Tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo và phối hợp liên ngành giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch; Thông tin, giáo dục, truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình; Tham gia kiến nghị hoàn thiện pháp luật, chính sách; xây dựng hệ thống dịch vụ hỗ trợ, phòng ngừa bạo lực gia đình; Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương triển khai Kế hoạch này; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện công tác tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình; Hướng dẫn thực hiện quy trình tiếp nhận, xử lý vụ việc bạo lực gia đình; quy trình bảo vệ an toàn, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, cung cấp và tư vấn thông tin về quyền, nghĩa vụ cho người bị bạo lực phân theo nhóm đối tượng; hướng tới chuyển đổi số dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình; thực hiện điều tra quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng dẫn của Trung ương; Kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình từ tỉnh đến cơ sở; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các nội dung thuộc công tác
phòng, chống bạo lực gia đình; Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch này; tổ chức tổng kết việc thực hiện Kế hoạch và xây dựng Kế hoạch giai đoạn tiếp theo.