Các loại hình dịch vụ gia đình ở nước ta hiện nay đang phát triển dần từ trình độ tự phát, mang đậm yếu tố “đổi công” sang trình độ có tổ chức nhất định, mang đậm yếu tố thương mại – kinh tế. Về bản chất, đây chính là mối quan hệ tương tác hai chiều (hoặc đa chiều) giữa một bên có nhu cầu dịch vụ và một bên có khả năng đáp ứng dịch vụ.
Có thể nhận thấy dịch vụ gia đình dù ở loại hình nào thì cũng là những hợp đồng, giao ước. Vì vậy, các loại hình dịch vụ gia đình luôn luôn chịu sự tác động của những yếu tố: sự phát triển kinh tế, xã hội; luật pháp, phong tục tập quán; đạo đức; khoa học, công nghệ.
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa đã góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển, từng bước phá vỡ cấu trúc của gia đình tiểu nông truyền thống, dần dần hình thành tầng lớp thị dân với mô hình gia đình hạt nhân 2 thế hệ là chủ yếu. Song song với sự phát triển kinh tế ngày càng cao, sự phát triển xã hội cũng đạt đến trình độ nhất định, làm cho thế hệ trẻ ngày nay thay đổi nhận thức. Họ nhận thức được rằng gia đình là tế bào của xã hội, cần phải tương tác, trao đổi thì tế bào gia đình mới có thể phát triển được.
Để cho dịch vụ gia đình đi vào cuộc sống, ngày càng đáp ứng nhu cầu của gia đình, bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ của mỗi bên đều được thực hiện tốt thì hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách cho những dịch vụ đó phải được xây dựng, ngày càng hoàn thiện. Do nước ta là nước phương Đông, trọng tình nghĩa, hay nể nang, tâm lý nông dân còn đậm nét, đồng thời những yếu tố về tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc… cũng chi phối, tác động đến các loại hình dịch vụ gia đình, nên những dịch vụ này thường thiên về tình cảm chứ không nặng về pháp lý, có thể có tranh chấp xảy ra và thường mang lại thiệt thòi cho phía người lao động.
Yếu tố đạo đức, mà biểu hiện rõ nét nhất là nhân cách con người, cũng tác động không nhỏ tới các loại hình dịch vụ gia đình. Vì dịch vụ là thỏa thuận, hợp đồng giữa 2 bên nên mỗi bên đều phải có trách nhiệm hoàn thành những điều đã cam kết. Những cam kết đó chỉ được thực hiện tốt khi mọi người đều phải có đạo đức, lòng trung thực, tôn trọng đối tác và giá trị của mình. Có lòng tự trọng, coi đối tác như chính người trong gia đình của mình, đồng thời coi sự thành đạt của đối tác là một phần quan trọng trong công việc của mình thì mới thúc đẩy các dịch vụ ngày một hoàn hảo, đáp ứng nhu cầu của gia đình và xã hội.