Cách mạng 4.0 làm biến đổi vị thế của gia đình trong kiến trúc thượng tầng khi mô hình chính phủ số, xã hội số… và nhiều thiết chế xã hội số ra đời. Sự trỗi dậy của kinh tế số và các tổ chức xã hội số trên thế giới mô hình chung đang làm cho gia đình yếu thế trong kiến trúc thượng tầng xã hội ở nhiều quốc gia. Ở nước ta, sự thay đổi của lực lượng sản xuất xã hội (hạt nhân là cách mạng 4.0) cùng những quan hệ sản xuất mới của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang làm thay đổi cấu trúc gia đình truyền thống.
Sự thay đổi về quy mô gia đình ở nước ta hiện nay theo xu hướng chung của gia đình hiện đại, trong sự thay đổi của quan hệ sản xuất xã hội. Gia đình Việt Nam từ cấu trúc gia đình lớn (nhiều thế hệ), ngày nay hình thức chủ yếu là gia đình hai thế hệ. Số lượng của thành viên gia đình giảm do tác động từ chính sách dân số của nhà nước còn do nhu cầu nâng cao chất lượng sống gia đình về cả phương diện vật chất lẫn tinh thần của các thành viên trong gia đình, thậm chí nhiều cặp vợ chồng sau khi kết hôn chỉ sinh một con, thậm chí người phụ nữ không muốn sinh con. Xã hội số với nhịp sống gấp gáp, hiên đại đang làm cho quan niệm về quy mô gia đình ở phương Tây hẹp hơn, thậm chí khá lỏng lẻo; những quan niệm này cũng tác động thêm đối với nhận thức và quan niệm của người Việt Nam trong quá trình giao thoa văn hóa. Vì vậy, quan niệm về chi, nhành, cành, thậm chí gia phả trong nhiều gia đình và làng quê Việt Nam bị mai một trong tiến trình thay đổi kết cấu làng xã hiện nay. Hơn nữa, không gian sinh tồn của gia đình cũng bị thu hẹp về quy mô. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, theo chúng tôi do tác động từ phía cách mạng công nghiệp, lối sống đô thị và xu hướng gia đình hai thế hệ gia tăng nên không gian sống của gia đình thu hẹp lại. Hiện tượng gia đình quần cư kiểu đô thị cũng xuất hiện ngày càng nhiều ở nông thôn Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn. Việc xuất hiện các khu công nghiệp mới và xu hướng dịch chuyển lao động cơ giới phạm vi trong và ngoài nước làm cho không gian gia đình thay đổi và không cố định. Hiện tượng các gia đình ở nông thôn chỉ có các cặp vợ chồng già hoặc chỉ có ông bà với các cháu xuất hiện ngày càng nhiều do các cặp vợ chồng trẻ dịch chuyển làm việc tại các đô thị và khu công nghiệp hoặc đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Tuy nhiên, phương thức duy trì mối quan hệ của các thành viên trong gia đình không thay đổi nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin (đây là yếu tố quan trọng giúp duy trì sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình khi họ không ở cùng nhau).
Sự thay đổi về loại hình gia đình mới và thay đổi trong nhận thức về tình yêu, hôn nhân cũng như các quan niệm mới về hệ giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống gia đình. Sự thay đổi của lực lượng sản xuất xã hội làm cho các quan hệ kinh tế xã hội thay đổi, vị thế của mỗi cá nhân thay đổi trong hệ thống sản xuất ấy cùng những biến đổi trong thiết chế văn hóa đã làm cho các loại hình gia đình mới ra đời. Thậm chí công nghệ số đưa lại những mối quan hệ xã hội núp bóng gia đình, là hình thức biến tướng của các tệ nạn xã hội (surga daddy, sugar bayby, robot tình dục…); đang tạo nên một sự đa dạng, phức tạp trong các quan hệ gia đình, vượt ra ngoài phạm vi của loại hình gia đình truyền thống phương Đông. Công nghệ sinh học cũng đưa lại hiện tượng gia đình không sinh sản tự nhiên mà sinh nở dưới sự tác động của y học hiện đại, mặt khác cũng tạo ra cơ hội nhiều hơn cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, Tuy nhiên, từ đây cũng nảy sinh nhiều xung đột về các quan niệm trái chiều về tình dục, tình yêu và hôn nhân cũng như thời điểm và nhu cầu sinh con đẻ cái trong các gia đình.
Hiện tượng gia đình mẹ đơn thân và gia đình đồng giới như là sản phẩm về sự biến đổi cấu trúc gia đình khác nhau dưới sự tác động của trạng thái kinh tế xã hội. Điều này, theo quan niệm của một số nhà xã hội học phương Tây thậm chí là đang cảnh báo cái chết về sinh học kiểu gia đình hai người. Hiện nay, cũng có những nghiên cứu cho rằng do sự phát triển của giáo dục, sự khác biệt về trình độ học vấn mà có sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia trong mối quan hệ giữa giáo dục của người mẹ và việc làm mẹ đơn thân. Tuy nhiên, các bà mẹ ít học thường có nhiều khả năng trở thành bà mẹ đơn thân trong hầu hết các xã hội đang phát triển không đồng đều về kinh tế.
Trong không gian số, các chuẩn mực đạo đức và hệ giá trị gia đình cũ suy yếu nhường chỗ cho các quan hệ “ảo”, vì vậy mối quan hệ trong gia đình lỏng lẻo hơn, thậm chí vượt ra ngoài sự kiểm soát của pháp luật, đòi hỏi phải có hệ thống pháp luật số ra đời kiểm soát. Sự thay đổi trong quan niệm hôn nhân và việc xây dựng gia đình của giới trẻ, xu hướng độc thân, chủ nghĩa cá nhân hóa và chủ nghĩa thực dụng đang làm cho các giá trị gia đình truyền thống đứng trước nhiều thách thức. Có thể thấy trong gia đình Việt Nam thì các giá trị cơ bản là: chung thủy, tình yêu thương, bình đẳng, chia sẻ việc nhà hòa hợp. Hiện nay, các giá trị này đang có sự biến đổi trong quan hệ hôn nhân gia đình trước sự thay đổi của các điều kiện vật chất xã hội. Chẳng hạn tỷ lệ đánh giá giá trị chung thủy ở mức cao nhưng tỷ lệ nam giới lại ở mức thấp khi nhận thức và đánh giá giá trị này. Thực tế cho thấy tỷ lệ người đánh giá thấp tiêu chí giá trị tình yêu lại thuộc về nhóm người trẻ nhất; những người đi làm và sống ở đô thị, ở các khu vực có đời sống vật chất và mức độ hiện đại hóa cao. Hiện nay đa số người dân đánh giá khá cao tầm quan trọng của giá trị bình đẳng, điều này cho thấy gia đình Việt Nam đang thích ứng với sự thay đổi của xã hội hiện đại, ủng hộ bình đẳng giới trong quan hệ vợ chồng. Đó cũng là những thay đổi trong quan niệm về việc sống chung hay riêng trong gia đình, dẫn đến gia đình nhiều thế hệ tách ra thành gia đình một hoặc hai thế hệ. Trong điều kiện bùng nổ về thông tin và bình đẳng về cơ hội tiếp cận văn hóa thì các gia đình cũng có mức độ hiện đại hóa càng cao, mang nhiều đặc điểm hiện đại, như sống ở đô thị, có việc làm, có học vấn cao, mức sống cao thì các giá trị chia sẻ và trân trọng càng được các cặp vợ chồng thể hiện rõ. Vì vậy, các giá trị truyền thống chuyển sang các giá trị hiện đại trong tiêu chuẩn hôn nhân. Ngày nay, tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời theo nhóm giá trị cá nhân, dựa trên tình yêu, hình thức, thu nhập, công việc, học vấn chiếm ưu thế chủ yếu so với nhóm giá trị tập thể như sự chấp thuận của bố mẹ, cùng quê, cùng dân tộc, tôn giáo. Sự xuất hiện của loại hình gia đình tiến tới hôn nhân lần thứ hai cũng gia tăng là kết quả của sự “cởi mở” trong nhận thức mới về giá trị gia đình. Chuyển đổi số làm thay đổi mối quan hệ gia đình theo hướng lỏng lẻo, ảo hơn và khiến tính cá nhân hóa trong đời sống cá nhân của mỗi thành viên trong gia đình cao hơn. Đây là thách thức đối với gia đình Việt Nam trong xã hội hiện đại trước những chức năng cần có đối với xã hội hiện nay.