Để trợ giúp nạn nhân BLGĐ, trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách liên quan. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII thông qua tại kỳ họp thứ 2 ngày 21/11/2007 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008, trong đó tại Điều 38 của Luật đã qui định trách nhiệm của Bộ Lao động – TBXH đối với việc triển khai phòng, chống BLGĐ như: Hướng dẫn việc thực hiện trợ giúp nạn nhân BLGĐ tại các cơ sở bảo trợ xã hội; Chỉ đạo việc lồng ghép nội dung phòng, chống BLGĐ vào các chương trình xoá đói, giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm.
Nghị định số 81/2012/NĐ-CP ngày 8/10/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 68/2008/NĐ-CP đã quy định quy trình tiếp nhận các đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp, bao gồm nạn nhân của BLGĐ vào chăm sóc, cụ thể như: Khi tiếp nhận nạn nhân BLGĐ, cần tổ chức lập biên bản tiếp nhận, có chữ ký của cá nhân hoặc đại diện cơ quan, đơn vị phát hiện ra đối tượng (nếu có), chính quyền (hoặc công an) cấp xã, đại diện cơ sở; đánh giá về mức độ tổn thương, khả năng phục hồi và nhu cầu trợ giúp của đối tượng để có kế hoạch trợ giúp; bảo đảm an toàn và chữa trị những tổn thương về thân thể hoặc tinh thần cho đối tượng kịp thời. Ngoài việc được tiếp nhận, nạn nhân BLGĐ còn được cung cấp các dịch vụ trợ giúp xã hội như: phục hồi chức năng, lao động sản xuất, trợ giúp trong các hoạt động tự quản, văn hoá, thể thao và các hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi và sức khoẻ.
Đặc biệt, Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội cũng đã quy định nạn nhân BLGĐ được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng được hỗ trợ: Tiền ăn trong thời gian sống tại hộ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng; Chi phí điều trị trong trường hợp phải điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mà không có thẻ bảo hiểm y tế; Chi phí đưa đối tượng về nơi cư trú hoặc đến cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội. Đối với nạn nhân BLGĐ được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội được trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng thấp nhất bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội (270.000đ) nhân với hệ số tương ứng quy định, ngoài ra còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, cấp vật dụng phục vụ sinh hoạt thường ngày, khi chết được hỗ trợ mai táng phí bằng 20 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội.
Bên cạnh đó, là chính sách hỗ trợ cho người bị bạo lực khi tham gia bảo hiểm y tế. Đến năm 2020, chúng ta đã đạt được 90,85% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Trong năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đặc biệt vấn đề người lao động mất việc làm, một số doanh nghiệp bị đóng cửa cho nên tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đã giảm xuống, hiện nay giảm 2,6 triệu người so với năm 2020.
Đối với các nạn nhân bị bạo lực gia đình có tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian điều trị tại cơ sở chữa bệnh đối với người đang tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm Y tế (BHYT) là một chính sách an sinh xã hội do Nhà nước tổ chức thực hiện, nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người khi ốm đau, bệnh tật, hỗ trợ cho hoạt động y tế, thực hiện công bằng và nhân đạo trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hiện với mức đóng 804.600 đồng/người/năm, người tham gia được thanh toán số tiền khám chữa bệnh không giới hạn, có thể lên tới hàng tỷ đồng/năm từ sự chia sẻ của cộng đồng. Nhiều người nhờ vào BHYT mà vượt qua được giai đoạn khó khăn khi điều trị bệnh.
Hiện có 2 hình thức tham gia BHYT, một là bắt buộc, hai là tự nguyện.
Đối với người tham gia BHYT bắt buộc: Có 6 nhóm đối tượng tham gia được quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ, đó là: Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, nhóm do cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) đóng, nhóm do ngân sách Nhà nước đóng, nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng, nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình, nhóm do người sử dụng lao động đóng. Những người không thuộc 6 nhóm đối tượng trên là đối tượng tham gia của BHYT tự nguyện.
Để tham gia BHYT tự nguyện, có thể đăng ký tham gia theo hình thức hộ gia đình với mức đóng được tính như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở. Người thứ hai đóng bằng 70% mức đóng của người thứ nhất. Người thứ ba đóng bằng 60% mức đóng của người thứ nhất. Người thứ tư đóng bằng 50% mức đóng của người thứ nhất. Người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Mức đóng trên chưa tính chi phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và mức đóng này sẽ thay đổi dựa vào mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
Thực tế hiện nay, số người mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư, tiểu đường, cao huyết áp,… ngày càng tăng, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người dân rất ít có cơ hội khám bệnh định kỳ. Vì vậy, hơn lúc nào hết, người dân cần nhận thức rõ được lợi ích khi tham gia BHYT, giúp hạn chế rủi ro về tài chính cho bản thân, gia đình, đồng thời chia sẻ bớt khó khăn cho cộng đồng nếu một ai đó không may mắc bệnh.
Đó là những lợi ích của BHYT đối với những người có tham gia BHYT. Tuy nhiên, với những nạn nhân bị bạo lực gia đình không tham gia bảo hiểm y tế thì sẽ được hỗ trợ như thế nào? Chính sách hỗ trợ cho các trường hợp này ra sao?
Các chính sách về xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình chưa rõ và chưa thu hút được sự tham gia của tổ chức, cá nhân. Các quy định của Luật cũng như các văn bản dưới Luật chưa có quy định rõ những hoạt động được hỗ trợ, mức hỗ trợ, hình thức hỗ trợ nên xã hội hóa đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình còn hạn chế. Các hoạt động thu hút vốn hỗ trợ thông qua quỹ nhằm hỗ trợ khẩn cấp các trường hợp bị bạo lực gia đình là hết sức cần thiết, song hiện nay, Luật chưa có quy định này. Chương trình hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ VHTTDL nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ nạn nhân BLGĐ. Việc thành lập Quỹ cần được luật hóa để đảm bảo tính khả thi. Hiện nay, một số Luật đã quy định việc thành lập Quỹ như: Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (2012); Luật Du lịch (2017) và Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (2019)…. Nếu như quy định về Quỹ được đưa vào Luật (sửa đổi) lần này sẽ là một nguồn để huy động xã hội hóa hỗ trợ người bị bạo lực gia đình khi phải sử dụng các dịch vụ chăm sóc tế mà không tham gia bảo hiểm y tế.