Sau 35 năm đổi mới, xã hội và gia đình Việt Nam đã và đang có sự chuyển động mạnh mẽ; mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh” là động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện đời sống kinh tế vật chất cũng như đời sống tinh thần của mỗi gia đình Việt Nam, tạo nên những bước đổi thay kỳ diệu của đất nước. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, cấu trúc gia đình và quan hệ trong gia đình Việt Nam đã có nhiều thay đổi, nhưng những chức năng cơ bản của gia đình vẫn tồn tại và không ngừng hoàn thiện, phát triển; những giá trị văn hóa truyền thống cốt lõi vẫn không ngừng được vun đắp, đặc biệt là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết cộng đồng, tương thân tương ái; tình cảm gắn bó dành cho gia đình, dòng tộc, quê hương…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, gia đình Việt Nam đứng trước nhiều thách thức trước những biến động lớn từ bối cảnh kinh tế xã hội. Đó là sự chuyển đổi mạnh mẽ từ một nền nông nghiệp lạc hậu sang nền văn minh công nghiệp hiện đại, tạo ra những khoảng trống về chuẩn mực văn hóa bởi các khuôn mẫu của xã hội công nghiệp chưa hình thành một cách đầy đủ và các khuôn mẫu của xã hội nông nghiệp thì chưa thể mất đi. Đó là sự chuyển đổi từ cơ chế tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước, và mặt trái của cơ chế thị trường đã làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội nhức nhối: tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, tệ nạn xã hội và các loại tội phạm gia tăng…
Bên cạnh đó, sự phát triển ồ ạt của công nghệ số đã làm thay đổi cả về lượng và chất của nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Theo số liệu được công bố năm 2020, Việt Nam có 96,9 triệu dân; số lượng thuê bao di động là 145,8 triệu thuê bao (chiếm tỷ lệ 150% so với tổng dân số cả nước); số lượng người dùng internet là 68,17 triệu người (chiếm tỷ lệ 70% số dân); số lượng người dùng mạng xã hội là 65 triệu người (chiếm tỷ lệ 67% số dân) (dẫn theo Báo cáo Digital 2020 của We are social, 2021). Xét về mặt tích cực, sự bùng nổ những ứng dụng kỹ thuật mới trong kỷ nguyên số đã rút ngắn khoảng cách về thời gian và không gian, giúp con người có thể kết nối, tiếp nhận mọi kênh thông tin trên toàn thế giới. Tuy nhiên, mặt tiêu cực của nó là đã làm cho con người ngày càng lệ thuộc vào công nghệ, dần đánh mất mình. Cùng với sự thay đổi mô hình gia đình truyền thống, tính cố kết gia đình đã giảm sút; mối quan hệ gia đình, cụ thể hơn là mối quan hệ cá nhân – gia đình trở nên lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ hơn (Nghiêm Thu Nga, 2104) , nảy sinh mâu thuẫn, xung đột; và kéo theo đó là những vấn đề nhức nhối: Nạn bạo lực gia đình; tỷ lệ ly thân, ly hôn tăng; trẻ em bị bỏ rơi, xao nhãng; người cao tuổi cô đơn; tôn ti trật tự trong gia tộc thay đổi… Thực trạng đó dường như đã gióng lên hồi chuông báo động về sự rối loạn giá trị gia đình; thuần phong mỹ tục bị đe doạ, đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp (Lê Như Hoa, 2001:51). Thậm chí cũng có ý kiến cho rằng, gia đình Việt Nam xuống cấp một cách khá nghiêm trọng trong bối cảnh kinh tế đổi mới, mở cửa hiện nay (Đặng Cảnh Khanh, 1999:119).