Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới tiếp giáp Trung Quốc dài 231,74 km, với 2 cửa khẩu quốc tế, 01 cửa khẩu chính, 09 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn lối mở, các cặp chợ giáp biên là cơ hội cho Nhân dân trong tỉnh giao thương, phát triển kinh tế, xã hội. Tỉnh có diện tích 8.310,09 km2, với 11 đơn vị hành chính cấp huyện (10 huyện và 01 thành phố loại II), 200 đơn vị hành chính cấp xã (181 xã, 05 phường, 14 thị trấn), trong đó có 5 huyện biên giới với 01 thị trấn, 20 xã biên giới, toàn tỉnh có 1.850 thôn, bản, khối phố. Dân số toàn tỉnh 781.655 người, khu vực nông thôn chiếm 79,5%; mật độ dân số trung bình 94 người/km2 với hơn 30 dân tộc khác nhau cùng sinh sống, trong đó có 7 dân tộc chủ yếu là: Nùng, chiếm 43,19%; Tày, chiếm 34,58%; Kinh, chiếm 16,1%; Dao, chiếm 3,91%; Hoa, chiếm 0,33%; Sán Chay, chiếm 0,40%; Mông, chiếm 0,1%; các dân tộc khác, chiếm 0,08%. Địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số ít người như: Dao, Mông, Sán Chay chủ yếu ở vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, địa hình phức tạp giao thông đi lại khó khăn, xa trung tâm huyện, tỉnh. Các dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Hoa… thường sinh sống xen canh, xen cư với cộng đồng các dân tộc khác.
Kinh tế – xã hội trong những năm qua phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, tăng trưởng GRDP duy trì ở mức 8-9%/năm. Đời sống người dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người của toàn tỉnh đạt 43,4 triệu đồng/người/năm, trong đó thu nhập người dân tộc thiểu số là 35,45 triệu đồng/người/năm; tốc độ giảm nghèo bình quân đạt 3,61%/năm, năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 7,89%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được quan tâm đầu tư, diện mạo có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân từng bước được nâng lên. Đồng bào các dân tộc chung sống đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, không có những vấn đề nổi cộm về tôn giáo, dân tộc, quốc phòng được giữ vững, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước hiện nay, kinh tế thị trường đã tạo nhiều cơ hội cho kinh tế gia đình phát triển đa dạng, phong phú. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Tuy nhiên, mặt trái của nó cũng tác động không nhỏ đến cấu trúc, quy mô và vai trò của các thành viên mỗi gia đình, trong đó người phụ nữ đã được đặt vào những yêu cầu, thách thức mới. Các vấn đề nảy sinh trong xã hội liên quan đến gia đình hiện nay đó là: Tình trạng ly hôn, nhất là ly hôn trẻ, ly thân, sống thử, không đăng ký kết hôn, tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình có chiều hướng tăng; tình trạng tảo hôn, bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra; tình trạng mua bán phụ nữ, xâm hại tình dục trẻ em diễn biến phức tạp.
Về công tác gia đình: Một số cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể nhận thức về vị trí, vai trò của công tác xây dựng gia đình còn hạn chế; chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát công tác xây dựng gia đình với xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội tại địa bàn; cơ chế phối hợp giữa các cấp ủy đảng với các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị – xã hội từ tỉnh đến cơ sở trong việc thực hiện chưa đồng bộ, chặt chẽ và thường xuyên. Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về gia đình còn hạn chế. Một số vấn đề bức xúc về gia đình chưa được xử lý kịp thời. Các tài liệu cung cấp những kiến thức, kỹ năng về xây dựng gia đình cho cơ sở còn thiếu. Mạng lưới dịch vụ tư vấn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, đội ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở chưa được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về công tác gia đình. Kinh phí phí phục vụ cho hoạt động tuyên truyền về công tác gia đình còn hạn hẹp, gây khó khăn cho việc triển khai các hoạt động ở cơ sở.
Những vấn đề đặt ra, khó khăn trên là do đặc thù là một tỉnh giáp biên có nhịp độ giao thương lớn với Trung Quốc và là đầu mối trung chuyển hàng hóa đối với cả nước, nhiều gia đình do tập trung làm ăn kinh tế, ít quan tâm đến chăm lo giáo dục đạo đức, lối sống, nhu cầu chính đáng về tâm tư, tình cảm của các thành viên trong gia đình; vì vậy phát sinh nhiều tiêu cực trong các mối quan hệ và ứng xử giữa các thế hệ, làm cho mối quan hệ gia đình trở nên ít gắn kết, đạo đức gia đình xuống cấp. Công tác truyền thông và giáo dục về đời sống gia đình chưa thường xuyên, liên tục. Việc giáo dục đời sống gia đình, cung cấp kiến thức làm cha, làm mẹ, giáo dục trước và sau kết hôn, các kỹ năng ứng xử trong gia đình chưa được coi trọng. Nhiều gia đình do tập trung làm kinh tế đã xem nhẹ việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ các thành viên trong gia đình, nhất là đối với trẻ em và người cao tuổi. Hoạt động quản lý nhà nước về gia đình còn nhiều bất cập vì có nhiều cơ quan cùng thực hiện. Ảnh hưởng một số phong tục, tập tục, thói quen dân tộc ảnh hưởng tới đời sống, văn hóa gia đình.