Luật hiện hành chưa đưa ra các quy định cụ thể về nội dung quản lý Nhà nước về PCBLGĐ và quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực thi nhiệm vụ PCBLGĐ. Trong khi đó, một số Luật hiện nay quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương. Như Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (2012) có quy định chi tiết nội dung này tại Điều 6; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (2019) quy định vấn đề này tại Điều 33. Bên cạnh đó, Luật quy định hằng năm, trong báo cáo của Ủy ban nhân dân trước Hội đồng nhân dân cùng cấp về tình hình kinh tế – xã hội phải có nội dung về tình hình và kết quả PCBLGĐ tại địa phương nhưng đến nay, việc báo cáo theo quy định của Luật vẫn chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.
Luật hiện hành quy định về nguồn kinh phí cho công tác PCBLGĐ nhưng không quy định cụ thể trách nhiệm phân bổ kinh phí dẫn đến hầu hết các địa phương không có kinh phí hoặc kinh phí không đảm bảo cho công tác PCBLGĐ. Việc huy động xã hội hóa công tác PCBLGĐ cũng chưa có quy định rõ ràng nên việc xã hội hóa đối với công tác PCBLGĐ còn yếu.
Thời gian qua, không ít người tham gia can ngăn hành vi BLGĐ bị thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng, tuy nhiên Nhà nước chưa có quy định về hỗ trợ cho những người này cũng như thành viên trong gia đình họ. Việc biểu dương, tuyên dương nhằm động viên, khích lệ tổ chức, cá nhân đặc biệt là tổ chức xã hội và các cá nhân ở cộng đồng tham gia công tác PCBLGĐ còn hạn chế từ đó dẫn đến chưa phát huy được nội lực sẵn có trong PCBLGĐ.
Bên cạnh đó, việc cập nhật số liệu, thông tin về PCBLGĐ còn yếu và thiếu độ tin cậy. Quy định báo cáo số liệu về tình hình BLGĐ đang được quy định ở nhiều văn bản khác nhau, chưa có sự thống nhất quy định về tiêu chí, biểu mẫu, cách thức và cơ quan đầu mối tổng hợp số liệu. Sự phối hợp, chia sẻ số liệu giữa các ngành còn hạn chế, chưa thống nhất về phương pháp, biểu mẫu.