Theo Báo cáo về thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng, sự quản lý hiệu quả của Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, toàn dân, toàn quân đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Các đột phá chiến lược được tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả, đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tăng trưởng kinh tế đạt khá gắn với chất lượng tăng trưởng và các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Phát triển kinh tế vùng, kinh tế biển, đô thị, xây dựng nông thôn mới đã có bước chuyển biến, khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từng vùng, khu vực. Phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam đạt kết quả tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Các lĩnh vực công tác dân tộc, tôn giáo, chăm sóc người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, thể dục, thể thao và thông tin, truyền thông được chú trọng. Kết cấu hạ tầng thiết yếu, nhất là ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam liên tục được cải thiện, thuộc nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình cao của thế giới.
Trong thời đại toàn cầu hóa, Việt Nam đã hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có quan hệ ngoại giao, kinh tế với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tham gia, trở thành thành viên của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín, toàn cầu và khu vực. Nhờ hội nhập, Việt Nam đã mở rộng thị trường cho xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, các nguồn vốn, thành tựu khoa học – công nghệ. Những thành tựu đạt được trong hội nhập quốc tế đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vĩ mô; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tình hình an ninh, chính trị ổn định; văn hoá, xã hội có bước phát triển; an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Nền tảng này đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới nói chung và Chiến lược nói riêng.
Việc thực hiện trách nhiệm nội luật hóa pháp luật theo tinh thần các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên cũng tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan chức năng từng bước hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về bình đẳng giới (BĐG).
Trên bình diện quốc tế, Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế, các quốc gia tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thúc đẩy BĐG và trao quyền cho phụ nữ trên phạm vi toàn cầu. Các cam kết BĐG trong Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (SDGs) thể hiện một bước tiến quan trọng tiếp nối các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs). Trong đó, các mục tiêu cụ thể về BĐG được xây dựng dựa trên các cam kết và tiêu chuẩn quốc tế hiện hành, bao gồm Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh. Lần đầu tiên trong khuôn khổ phát triển toàn cầu, thông qua Mục tiêu 5, các mục tiêu phát triển bền vững hướng tới “chấm dứt mọi hình thức phân biệt đối xử; xóa bỏ bạo lực và các tập tục có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái; giải quyết vấn đề về công việc chăm sóc và công việc nội trợ không được trả công; đảm bảo sự tham gia hiệu quả của phụ nữ ở mọi cấp độ ra quyết định, và tiếp cận phổ cập đến quyền và chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục”. Với cam kết của mình, cộng đồng quốc tế đã và đang dành những nguồn lực tài chính cùng quyết tâm chính trị mạnh mẽ nhằm đạt được BĐG và “không để ai bị bỏ lại phía sau”.