Có thể thấy, giá trị gia đình Việt gắn liền với đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội qua hàng ngàn năm lịch sử, và hiện nay, gắn liền với sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Gia đình không chỉ là cái nôi sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục các thế hệ trẻ, mà còn là một chủ thể trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ XHCN. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị nhân văn được giữ gìn và phát huy, thì gia đình Việt cũng đang đối mặt với những vấn đề biến đổi giá trị. Thay vì vun đắp, giữ gìn gia đình thì ly hôn trở thành hiện tượng phổ biến, không chỉ một lần mà có người còn qua vài ba lần, không chỉ ở gia đình trẻ mà cả những cặp đôi từng gắn bó nhiều chục năm, không chỉ ở một vài nhóm cư dân mà có ở tất cả các nhóm, thành phần xã hội. Thay vì vun đắp tổ ấm bằng việc giữ gìn tình yêu thương, sự tôn trọng, sẻ chia thì không ít cặp đôi biến gia đình thành địa ngục bởi bạo lực tinh thần và thể xác, bởi sự thiếu tôn trọng, vô trách nhiệm với nhau và với con cái, cha mẹ. Thay vì chung tay lao động, đảm bảo thu nhập chân chính để phụng dưỡng cha mẹ, chăm sóc con cái thì có gia đình chồng lười biếng, vợ ỉ lại, con phá phách, kinh doanh trái pháp luật, sa vào tệ nạn, dẫn đến con cái bất hiếu với cha mẹ, anh em mâu thuẫn, tranh chấp của cải…
Những biểu hiện phản giá trị nói trên được hình thành bởi chính các thành viên gia đình và bởi những tác động tiêu cực trong xã hội. Trong gia đình, khi hôn nhân không xuất phát từ tình yêu thương mà từ những tính toán vật chất tầm thường, thì chính sự không thỏa mãn về vật chất trong quá trình sống chung sẽ khiến gia đình nhanh chóng tan vỡ. Khi cha mẹ không gương mẫu, vợ chồng thiếu sẻ chia, con cái vô trách nhiệm thì việc sống chung sớm muộn cũng nảy sinh mâu thuẫn. Thật đau lòng trước một thực tế, có một tỷ lệ khá cao các vụ bạo lực gây thương tích, các vụ tự tử hay sát hại nhau, nạn nhân và bị can lại là người một nhà. Về phía xã hội, nền kinh tế thị trường với những mặt trái của nó tác động lên nhiều mối quan hệ, trong đó có gia đình. Không còn “Một túp lều tranh hai trái tim vàng” để có một gia đình hạnh phúc khi đồng tiền quá được coi trọng. Quan niệm gia trưởng, phụ quyền, phụ nữ phải “tam tòng”, con cái thì “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” bao đời ghi dấu ấn sâu đậm trong ý thức, tư tưởng nhiều thế hệ, nay bị đả phá; thay vào đó là giải phóng phụ nữ, bình đẳng giới, bảo vệ quyền trẻ em. Sự thay đổi hệ giá trị gia đình tạo nên những cú “sốc” tâm lý dẫn đến những phản ứng, hành vi trái ngược. Với người lớn tuổi và thủ cựu, một số giá trị mới bị coi là trái “thuần phong mỹ tục”, nếu ai đó đưa vào đời sống gia đình sẽ bị “trừng phạt”, và đòi hỏi phải “đóng cửa bảo nhau”. Với người trẻ tuổi và cấp tiến, một bộ phận vận dụng giá trị mới bằng quan niệm lệch lạc, như: “con lớn rồi, bố mẹ không có quyền…”; “vợ chồng bình đẳng, anh không làm việc nhà thì tôi sẽ bỏ mặc”…
Không thống nhất về nhận thức dẫn đến không cùng nhau nhìn về một hướng để giải quyết các mâu thuẫn gia đình, đó là nguyên nhân căn bản nhất khiến gia đình Việt hiện nay luôn đối mặt với nguy cơ thiếu bền vững, không hạnh phúc, có thể đổ vỡ.
Mặt khác, trong gia đình Việt Nam ngày nay, sự hình thành các gia đình trẻ, với hôn nhân tự do, tự nguyện, tính độc lập cao, vị thế phụ nữ tăng lên đã tạo nên những chuyển đổi từ các giá trị và phong tục cũ sang những giá trị và phong cách khác theo xu hướng mới. Phụ nữ đơn thân có con xem như không phải chịu sức ép của dư luận như trước. Ly thân, ly hôn không phải là vấn đề bị nhòm ngó như xưa. Tuổi kết hôn tăng lên… Những chủ nhân gia đình trẻ với tính độc lập cao (cả trong tư duy và điều kiện tài chính) sẽ chủ động lựa chọn các giá trị cho gia đình mình. Những gia đình trẻ, quy mô nhỏ song song tồn tại với các gia đình truyền thống đa thế hệ. Tất cả những thay đổi đó dẫn đến một thực tế phổ biến đan xen cái mới chưa hoàn thiện và cái cũ vẫn còn ý nghĩa và chưa thể mất; cùng lúc tồn tại các mức độ khác nhau của các giá trị gia đình truyền thống và gia đình hiện đại. Ở đây rất cần một định hướng có sức thuyết phục, phù hợp với thực tế, theo hướng kết hợp các giá trị truyền thống và hiện đại. Những định hướng này phải tính tới thực tế là gia đình Việt Nam trong quá trình vừa bảo lưu các giá trị truyền thống, vừa tiếp thu yếu tố hiện đại. Những định hướng này phải nhằm xây dựng gia đình vẫn là một đơn vị cơ bản của xã hội Việt Nam, gia đình Việt Nam vẫn là trung tâm của các mối quan hệ giữa các cá nhân với cộng đồng.
Mặt khác, bản thân Nhà nước với công cụ pháp lý và bộ máy thực thi pháp luật cũng chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong điều chỉnh, xử lý các vấn đề tiêu cực của gia đình. Nên Nhà nước với các cơ quan chức năng, chuyên trách về vấn đề gia đình cần tiếp tục nghiên cứu thực tiễn đời sống gia đình đang trong sự vận động, biến đổi để xây dựng luật pháp, các nghị định, các chính sách xã hội thích hợp nhằm phát huy vai trò to lớn của gia đình trong điều kiện mới của đất nước, trong điều kiện chịu các tác động nhiều chiều từ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Gạt đi những cái vốn được coi là giá trị trong gia đình truyền thống nay không còn phù hợp nữa; ngăn chặn những phản giá trị xuất hiện do tác động tiêu cực của các mặt trái trong đời sống hiện đại; nghiên cứu, định hình các tiêu chí gia đình mới, đảm bảo kết hợp được các giá trị truyền thống và hiện đại, là những việc cần làm để vun đắp giá trị gia đình Việt Nam hiện nay.