Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, để đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch, nhiều hoạt động bị hoãn, hủy hoặc thay đổi hình thức. Điều này đã ảnh hưởng nhất định đến tiến độ, yêu cầu công việc. Cụ thể như:
Hội nghị tổng kết thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nếu chuyển sang hình thức trực tuyến thì khó khăn: Khó bố trí các điểm cầu tại khu vực phía Nam và bố trí kinh phí để đảm bảo đường truyền Hội nghị. Đồng thời tiến độ tổ chức Hội nghị theo Kế hoạch trong tháng 8 cũng khó hoàn thành vì hiện nay thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội (là tỉnh/thành thực hiện thí điểm) đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Việc xây dựng Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, Chương trình quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới, Chương trình quốc gia truyền thông giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình cũng gặp khó khăn do không thể tổ chức hội nghị, hội thảo xin ý kiến chuyên gia, nhà quản lý cũng như tổ chức các cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập. Vụ Gia đình đã tham mưu lãnh đạo Bộ xin ý kiến thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập bằng văn bản tuy nhiên đối với những vấn đề phức tạp, những chính sách mới việc tổ chức họp trực tiếp để các đại biểu thảo luận, tranh luận sẽ thu được kết quả tốt hơn.
Một số hoạt động như kiểm tra giám sát, tổ chức hội nghị tập huấn cũng không tổ chức được do dịch Covid-19. Các hoạt động truyền thông (tuyên truyền Bộ tiêu chí ứng xử; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống tác hại rượu bia,..) trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng gặp khó khăn trong quá trình sản xuất nội dung. Vì để xây dựng chương trình, phóng sự tuyên truyền, đội ngũ sản xuất phải thực hiện các cuộc phỏng vấn, ghi hình, tổ chức tọa đàm, thu thập thông tin, tư liệu ở nhiều nơi, huy động nhiều người tham gia. Do dịch bệnh, hoạt động này bị hạn chế làm ảnh hưởng đến yêu cầu về tiến độ và nội dung các chương trình.
Việc tiết kiệm chi cắt giảm 10% tổng kinh phí và điều chỉnh các nhiệm vụ để phù hợp với tình hình dịch Covid-19 cũng gặp khó khăn do phát sinh các thủ tục hành chính. Theo đó, các nhiệm vụ chuyên môn vốn có tính độc lập và được tách riêng theo nhiệm vụ cụ thể trong Kế hoạch công tác năm đã được lãnh đạo Bộ phê duyệt. Việc gộp các nhiệm vụ truyền thông từ nhiều nhóm việc khác nhau để lập và phê duyệt trong một dự toán chi tiết đang làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn.
Đối với gia đình, dịch Covid-19 đang tác động rất lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của các thành viên trong gia đình: Tình trạng thất nghiệp, bị giảm lương, nợ lương, thiếu thốn về kinh tế; lo lắng, áp lực về dịch bệnh; vấn đề trẻ em nghỉ học hoặc học online ở nhà … những mâu thuẫn, xung đột gia đình gia tăng. Các chính sách hiện nay tập trung chính cho chống dịch và chăm lo đến đời sống vật chất cho những đối tượng yếu thế trong xã hội. Các chính sách liên quan đến chăm lo đời sống văn hóa tinh thần, đặc biệt là để hỗ trợ các thành viên gia đình giảm tải các áp lực về tinh thần do tình hình dịch bệnh gây ra chưa được quan tâm. Điều này đặt ra những thách thức rất lớn cho công tác gia đình hiện tại cũng như thới gian tới.