Luật trẻ em đã được triển khai thực hiện từ 01 tháng 6 năm 2017, sau hai năm thực hiện đã đạt được những thành tựu nhất định, tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn gặp phải nhữn khó khăn, hạn chế sau:
Việc ban hành một số văn bản còn chưa kịp thời (Quy tắc ứng xử, chính sách giáo dục, bồi dưỡng,….)
Cảnh quan, môi trường ở một số cơ sở giáo dục chưa bảo đảm an toàn xanh, sạch, đẹp; một số nơi hàng rào tạm, cổng trường chưa phù hợp, nhiều trường học còn tình trạng có nhà dân ở lẫn trong khuôn vìên nhà truờng, chưa đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn trong trường học; thiếu sân chơi, bãi tập do hạn chế về đất đai, nguồn lực, khó khăn trong việc tổ chức hoạt động văn nghệ, thể thao, trải nghiệm, đổi mới phương pháp giáo dục; một số trường không duy trì được nền nếp tập thể dục giữa giờ, thể dục buổi sáng cho học sinh do sân chật hẹp; phòng lớp học xuống cấp nghiêm trọng; nhiều nơi chưa đảm bảo công trình vệ sinh; nhiều trường cho các công ty, trung tâm đặt biển quảng cáo không phù hợp, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Vẫn còn các hàng quán xung quanh trường học chưa được giải tỏa.
Vẫn còn 31,3% trường phổ thông chưa xây dựng Quy tắc ứng xử văn hóa, một số truờng học Quy tắc ứng xử văn hóa còn sơ sài, hình thức; vẫn còn nhiều học sinh vi phạm quy định, quy chế hoạt động của nhà trường (trong 03 năm 2015, 2016, 2017) là 1,5% học sinh phổ thông; vẫn còn 0,5% giáo viên vi phạm nội quy chuyên môn.
Tổ chức và phong trào Đoàn, Đội chưa đồng đều giữa các vùng miền, loại hình trường; năng lực chuyên môn của cán bộ Đoàn, Đội ở nhiều trường học còn hạn chế; vai trò giám sát của tổ chức Đoàn, Hội, Đội đối với việc thực hiện các chính sách liên quan đến học sinh chưa cao; học sinh tham gia sinh hoạt tại địa phương dịp hè và phong trào Kế hoạch nhỏ còn mang tính hình thức, kém hiệu quả. Hoạt động biểu dương gương người tốt, việc tốt, mô hình hay, sáng tạo và cách làm tốt chưa được thực hiện thường xuyên.
Vẫn còn nhiều trường học chưa ban hành kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường; hệ thống thu thập thông tin xử lý các tình huống bạo lực còn hạn chế; tình trạng bạo lực học đường vẫn còn xảy ra và có diễn biến phức tạp Thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ việc liên quan đến quan hệ ứng xử lệch chuẩn giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên, giáo viên với học sinh, gia đình học sinh với giáo viên, đã ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần, danh dự của học sinh, nhà giáo, tác động tiêu cực đến môi trường giáo dục trong nhà trường gây bức xúc trong dư luận xã hội. Các vụ việc bạo lực học đường xảy ra cho thấy trách nhiệm của các cơ quan quản lý, các nhà trường và chính quyền địa phương các cấp còn hạn chế, vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, thiếu kiên quyết xử lý và xử lý chưa nghiêm, chưa kịp thời các vụ việc. Việc theo dõi, nắm bắt diễn biến tư tưởng của học sinh, sinh viên, đặc biệt là trên môi trường mạng gặp nhiều khó khăn; chưa thiết lập được mạng lưới kết nối thông tin tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng học sinh, sinh viên toàn ngành.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học còn thiếu, lạc hậu. Còn nhiều phòng học bán kiến cố, phòng học tạm (chiếm gần 25%); chưa bảo đảm đầy đủ khối phòng học, phòng học bộ môn; nhiềụ trường phòng phục vụ học tập vẫn còn tình trạng học 2 ca, sử dụng phòng học tạm. Việc sửa chữa, bổ sung cơ sở vật chất và thiết bị dạy học còn gặp nhiềụ khó khăn, đặc biệt là do thiếu kinh phí. Phần lớn các nhà vệ sinh xây dựng không đạt chuẩn. Tại một số cơ sở giáo dục, hiện tại chưa có nguồn nước sạch, việc đầu tư không đồng bộ dẫn đến việc sử dụng, bảo quản các công trình vệ sinh còn nhiều bất cập.
Việc quản lý, sử sụng, bảo quản nhà vệ sinh của nhiều trường học thực hiện chưa tốt; ý thức sử dụng, bảo quản các công trình vệ sinh công cộng của các em học sinh chưa cao. Học sinh chủ yếu tập trung vào học văn hóa mà chưa chú trọng đến rèn luyện kỹ năng cá nhân. Tỷ lệ học sinh tham gia trưc tiếp lao động, vệ sinh trường, lớp còn thấp, trong khi nhà trường khó khăn trong việc cân đối nguồn kinh phí để thuê nhân công dọn dẹp dẫn đến tình trạng nhà vệ sinh và công trình nước sạch tại các cơ sở giáo dục nhanh chóng xuống cấp và mất vệ sinh.