Sau 25 năm phát triển, đến nay mỗi năm Trung tâm sản xuất 52 chương trình Vì trẻ em, với tổng thời lượng gần 700 phút phát sóng trên kênh VTV1; 52 chương trình An sinh và Xã hội với tổng thời lượng 520 phút trên kênh VTV2; 52 chương trình 1 giờ Đường dây nóng, thời lượng hơn 3.100 phút phát sóng trên kênh VOV Giao thông; sản xuất 7 đến 10 phim tài liệu, hơn 50 phóng sự ngắn, gần 100 tin tức và hàng chục thông điệp, clip truyền thông hướng dẫn kiến thức, kỹ năng cho người lao động, trẻ em và các bậc cha mẹ.
Sự hình thành và phát triển của Truyền hình Vì trẻ em đều gắn với những dấu mốc quan trọng trong công tác trẻ em của Việt Nam như tham gia công ước Liên hiệp Quốc về quyền trẻ em, ban hành và sửa đổi Luật trẻ em, thành lập Ủy ban quốc gia về quyền trẻ em. Trong 25 năm hoạt động, Truyền hình Vì trẻ em đã sản xuất được hàng nghìn chương trình truyền hình và phát thanh hàng chục nghìn phóng sự, tin tức và hàng trăm phim tài liệu, clip, sản xuất truyền thông phục vụ công tác truyền thông trong lĩnh vực trẻ em và các lĩnh vực ngành Lao động – Thương binh và Xã hội phụ trách.
Những ngày đầu thành lập, chương trình chỉ có ba người gồm một cán bộ Ủy ban BVCSTE, hai phóng viên của Đài truyền hình Việt Nam, đến nay đội ngũ cán bộ phóng viên kỹ thuật đã có 9 người có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm làm truyền hình. Được sự quan tâm đầu tư của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Chương trình đã có một xe ô tô chuyên dụng, 5 máy quay hiện đại, một máy quay từ trên cao (flycam), một máy quay chuyển động và dưới nước, hai bộ bàn dựng kỹ thuật và một trường quay. Cơ sở vật chất trang thiết bị đáp ứng tiêu chuẩn phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam. Việc sản xuất chương trình được thực hiện đồng bộ từ khâu lên ý tưởng kịch bản, xây dựng kịch bản, ghi hình hiện trường và dàn dựng hậu kỳ. Chương trình được lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam đánh giá là chương trình chuyên đối tượng đạt chất lượng tốt.
Bên cạnh hoạt động chuyên môn, chương trình còn có các hoạt động xã hội thiện nguyện vì lợi ích trẻ em và cộng đồng. Qua các nội dung phản ánh trong Chương trình, nhiều bậc cha mẹ đã liên lạc đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ như phẫu thuật chỉnh hình miễn phí, trị liệu tâm lý cho trẻ em tự kỷ, can thiệp hỗ trợ nghề về pháp lý. Chương trình còn thực hiện chương trình “Học bổng đỡ đầu” cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Những hoạt động xã hội tuy còn nhỏ bé nhưng đã thể hiện vai trò và trách nhiệm xã hội của một đơn vị báo chí.