Trong năm 2017 – 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Luật trẻ em giao:
Chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành các văn bản liên quan được Luật giao. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng và ban hành hệ thống văn bản, chính sách, pháp luật phù hợp với các quy định trong Luật trẻ em như: Các chuẩn về từng cấp, bậc học; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng chống bạo lực học đường; áp dụng biện pháp trợ giúp giáo dục phù hợp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dân tộc thiểu số; giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật; xây dựng và triển khai chính sách giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu, tài năng cho trẻ em; Vận động gia đình, xã hội phát hiện, hỗ trợ, bồi dưỡng trẻ em có năng khiếu, tài năng.
Chỉ đạo các địa phương, nhà trường bảo đảm việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác; xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới phù hợp với từng độ tuổi trẻ em và bảo đảm chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện của trẻ em, hướng dẫn thực hiện sự tham gia của trẻ em trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác. Giáo dục, hướng dẫn trẻ em bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; thông tin, hướng dẫn cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em trong nhà trẻ; quản lý và hướng dẫn sử dụng thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi trẻ em.
Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật trong đó chú trọng việc phổ biến kiến thức về quyền và bổn phận của trẻ em cho học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh.
Hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác y tế trường học bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em trong nhà truờng, cơ sở giáo dục khác, giáo dục và phát triển toàn diện trẻ em trong hệ thống giáo dục; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác.