Việc hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình có thể được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau, cụ thể là:
Hoà giải mâu thuẫn, tranh chấp do gia đình, dòng họ tiến hành (Điều 13 của Luật). Trong trường hợp gia đình không hòa giải được thì hoặc có yêu cầu của thành viên gia đình thì người đứng đầu hoặc người có uy tín trong dòng họ chủ động hòa giải hoặc mời người có uy tín trong cộng đồng dân cư hòa giải.
Hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình do cơ quan, tổ chức tiến hành (Điều 14 của Luật). Khi có yêu cầu hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp của thành viên gia đình thì cơ quan, tổ chức có trách nhiệm hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa người thuộc cơ quan, tổ chức mình với thành viên gia đình họ; trong trường hợp cần thiết thì cơ quan, tổ chức đó phối hợp với cơ quan, tổ chức ở địa phương để tiến hành hòa giải.
Hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình do tổ chức hòa giải ở cơ sở tiến hành theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở (Điều 15 của Luật). Ủy ban nhân dân xã, phường thị trấn có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và các tổ chức thành viên hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các tổ chức hòa giải cơ sở thực hiện hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình.