Một là, nhận thức của một số ban cán sự đảng, đảng đoàn, một số cấp ủy, chính quyền địa phương, một bộ phận đảng viên và nhân dân về xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn có mặt hạn chế.
Mặc dù, Đảng và Nhà nước đã khẳng định tầm quan trọng của gia đình đối với sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, trong thực tế xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, các cấp ủy và chính quyền chưa nhận thức đầy đủ vai trò của gia đình với tư cách là một thiết chế xã hội đặc thù có mối quan hệ chặt chẽ với các thiết chế khác trong hệ thống xã hội tổng thể, sự vững mạnh hay bất cập của gia đình có tác động lớn đối với quản lý xã hội nói chung. Gia đình chỉ được coi là một tập hợp những thành viên, chưa được nhìn nhận như một thiết chế độc lập, có sự vận động và phát triển riêng, là đối tượng của các chính sách độc lập.
Nhận thức về các nhiệm vụ và giải pháp trong Chỉ thị số 49-CT/TW của một số Ban cán sự đảng và cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự sâu sắc. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị, gia đình và người dân vẫn còn tư tưởng coi công tác gia đình là của riêng Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của mỗi gia đình.
Hai là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác gia đình của một số ban cán sự đảng, đảng đoàn, một số cấp ủy, chính quyền còn hạn chế. Nhận thức về các nhiệm vụ và các giải pháp trong Chỉ thị số 49-CT/TW của một số Ban cán sự đảng và cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự sâu sắc.
Mặc dù, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến việc xây dựng hành lang pháp lý tạo tiền đề cho các hoạt động xây dựng và củng cố gia đình. Tuy nhiên, hoạt động triển khai và thực thi chính sách về gia đình vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều văn bản luật chưa được cán bộ nhận thức đầy đủ. Các điều luật thường mang tính khung, chung chung và việc ban hành những văn bản hướng dẫn dưới luật còn chậm. Việc tổng kết, đánh giá chính sách, pháp luật về gia đình chưa được quan tâm.
Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong triển khai chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, bình đẳng giới trong gia đình còn hạn chế. Cơ chế phối hợp giữa các cấp ủy với các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội từ tỉnh đến cơ sở chưa đồng bộ, chặt chẽ và chưa thường xuyên.
Hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp có mặt hạn chế, chưa thường xuyên, có lúc chưa chặt chẽ. Phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, địa phương chưa tích cực, có lúc, có nơi còn chưa đồng bộ, chưa rõ nét; chưa phát huy trách nhiệm trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác gia đình, như xử lý các vụ bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em.
Chưa có giải pháp cụ thể để giải quyết những khó khăn, thách thức của gia đình và công tác gia đình. Bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ và trẻ em có nơi chưa được quan tâm đúng mức; còn xảy ra nhiều vụ bạo lực gia đình, bạo hành, xâm hại trẻ em gây bức xúc xã hội. Một số cán bộ, đảng viên chưa nêu gương trong xây dựng gia đình, còn vi phạm chính sách dân số, hôn nhân và gia đình.
Ba là, công tác giáo dục đời sống gia đình chưa được coi trọng; phát triển kinh tế hộ gia đình ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xã, vùng bãi ngang, ven biển còn chưa được quan tâm đúng mức.
Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về xây dựng gia đình ở một số địa phương chưa được coi trọng, chưa thường xuyên, còn mang tính hình thức, chung chung, nội dung chưa cụ thể, chưa phù hợp với từng loại hình gia đình, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển; nội dung và hình thức tuyên truyền, giáo dục chưa có sự đổi mới, chưa hấp dẫn và hiệu quả.
Chưa coi trọng tuyên truyền, giáo dục những chuẩn mực, giá trị văn hóa của gia đình và cung cấp kiến thức làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử trong gia đình, chưa làm thay đổi nhiều về nhận thức và chuyển đổi hành vi mạnh mẽ trong nhân dân, nhất là đối với vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình, tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình.
Kết quả giảm nghèo đa chiều chưa bền vững, còn bất cập, nguy cơ tái nghèo cao. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Khoảng cách giàu – nghèo có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ cận nghèo, tái nghèo vẫn chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng số hộ gia đình thoát nghèo hằng năm (khoảng 7-10%). Xu hướng giảm nghèo chậm ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang, ven biển. Mặc dù tình trạng nhà ở của hộ gia đình đã được cải thiện, nhưng vẫn còn những gia đình phải sống trong các ngôi nhà có chất lượng kém với tuổi thọ quá dài so với mức độ an toàn theo quy định.
Bốn là, công tác xây dựng gia đình chưa hiệu quả và bền vững.
Việc triển khai các nhiệm vụ xây dựng gia đình của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu xây dựng gia đình chưa cao, chưa vững chắc. Chưa phát huy những mặt tích cực của gia đình trong mọi mặt của đời sống; chưa quan tâm đúng mức đến chuyển đổi sinh kế của gia đình trong quá trình đô thị hóa và phát triển khu công nghiệp.
Chưa có giải pháp cụ thể để giải quyết triệt để những tồn tại của gia đình có chiều hướng phức tạp, như: Mất cân bằng giới tính khi sinh, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tình trạng ly hôn, ly thân, chung sống không đăng ký kết hôn, bạo lực gia đình, bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em, buôn bán phụ nữ và trẻ em, tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình đã ảnh hưởng tiêu cực đến các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam.
Công tác phòng, chống bạo lực gia đình, can thiệp hỗ trợ nạn nhân chưa đồng bộ, thiếu chiều sâu, hiệu quả chưa cao. Hoạt động của mô hình phòng, chống bạo lực gia đình chưa thường xuyên, chất lượng và hiệu quả hoạt động còn thấp. Một số địa phương chưa thành lập được các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em chưa kịp thời, thiếu đồng bộ, chưa kiên quyết dẫn đến hiệu quả chưa cao. Các biện pháp giải quyết hành vi bạo lực gia đình chưa đảm bảo sự phát triển bền vững của gia đình.
Năm là, hiệu lực quản lý nhà nước về gia đình còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Việc tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới ở một số nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, lúng túng, thụ động, chưa cụ thể, chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền. Công tác tư vấn, vận động, giải quyết các vấn đề của gia đình theo quy định pháp luật còn yếu, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Nội dung hoạt động của các mô hình câu lạc bộ, đội, nhóm hỗ trợ gia đình tại cộng đồng chưa phong phú, chất lượng còn hạn chế. Hệ thống dịch vụ hỗ trợ gia đình và bình đẳng giới còn thiếu.
Cơ quan quản lý nhà nước chưa có những tiêu chí cụ thể xác định danh mục và cơ chế quản lý phù hợp với từng loại hình dịch vụ công thuộc lĩnh vực gia đình. Các chính sách liên quan đến dịch vụ công chưa có sự gắn kết với chính sách tạo sinh kế, giảm nghèo. Các cấp quản lý chưa nhận thức đầy đủ về việc đầu tư cho các dịch vụ công và chưa có giải pháp hợp lý khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội vào việc đáp ứng dịch vụ công thuộc lĩnh vực gia đình. Chưa có số liệu đầy đủ ở quy mô quốc gia về sự vận động và phát triển của gia đình ở Việt Nam, dẫn đến các chính sách thiếu khả thi. Việc hoạch định các chính sách xã hội đối với gia đình, sự quan tâm đến những khía cạnh về gia đình trong các chính sách kinh tế – xã hội khác chưa thực sự dựa trên các bằng chứng và luận cứ khoa học.
Công tác thu thập, lưu trữ, xử lý, tổng hợp, báo cáo số liệu về gia đình ở cơ sở chưa kịp thời, đầy đủ, chính xác. Chưa xây dựng hệ thống thu thập số liệu về bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình nên khó khăn cho công tác dự báo, xây dựng kế hoạch, định hướng và lãnh đạo, chỉ đạo công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Việc đăng ký, bình xét và công nhận gia đình văn hóa ở nhiều nơi còn hình thức, có lúc chưa đúng và đầy đủ theo quy trình, chưa chính xác, chưa thực chất, chạy theo thành tích, chưa tạo hiệu ứng tốt, sức lan tỏa rộng để các gia đình học tập.
Cán bộ làm công tác gia đình, nhất là ở cơ sở còn thiếu về số lượng và hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chưa được đào tạo chuyên ngành về gia đình, luôn biến động. Ở cấp huyện, xã, chưa có cán bộ chuyên trách công tác gia đình, chủ yếu kiêm nhiệm, chế độ chính sách còn hạn chế. Công tác tập huấn các kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên làm công tác gia đình chưa thường xuyên.
Sáu là, gia đình đang đối diện với những khó khăn, thách thức
Xu hướng giảm quy mô, hạt nhân hóa và đa dạng hóa gia đình đã làm giảm khả năng giao tiếp của trẻ em. Vị thế của người phụ nữ trong gia đình chưa được cải thiện đáng kể. Người phụ nữ đang đảm nhiệm lao động “kép”, đang gây trở ngại cho phụ nữ phát triển năng lực. Sự phân biệt giới còn khá phổ biến trong gia đình. Bạo lực gia đình đối với phụ nữ vẫn còn nghiêm trọng và ly hôn ngày càng tăng. Xu hướng ưa thích con trai vẫn còn phổ biến trong tư tưởng người dân.
Do cha mẹ đi làm xa, con cái thiếu vắng sự chăm sóc, giáo dục của cha mẹ có thể dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực cả về mối liên hệ tình cảm cha mẹ – con cái hoặc tăng thêm nguy cơ đối với các hành vi lệch chuẩn trong cuộc sống. Phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ em trong gia đình còn có những bất cập. Gia đình gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc người cao tuổi, nhất là người cao tuổi đang phải trải qua các hành vi bạo lực về thể chất, tinh thần và kinh tế do con cháu gây ra.