Gia đình sĩ quan Quân đội có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ đối với sự trưởng thành, phát triển của người sĩ quan mà còn đối với việc xây dựng các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, xây dựng hậu phương quân đội đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Nhận thức được tầm quan trọng của gia đình và công tác gia đình, những năm qua, triển khai thực hiện quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị trong toàn quân đã có nhiều chính sách, giải pháp nhằm chăm lo xây dựng gia đình quân nhân nói chung, gia đình sĩ quan nói riêng. Đặc biệt, toàn quân đã chú trọng phát huy giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam với nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, thống nhất. Tùy theo điều kiện đặc thù mà các đơn vị thực hiện các giải pháp cụ thể, sát đúng với tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận lợi nhất để sĩ quan chăm lo xây dựng gia đình trên cơ sở nền tảng của các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, giá trị truyền thống của gia đình quân nhân, đồng thời tiếp thu có chọn lọc các giá trị mới, tiến bộ của hôn nhân và gia đình hiện đại.
Theo Báo cáo Tổng kết công tác dân số, gia đình và trẻ em giai đoạn 2016-2020, toàn quân đã tiến hành truyền thông trực tiếp 352 buổi cho 95.155 lượt người; truyền thông gián tiếp cho cho 1.408.000 lượt cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, lao động hợp đồng với 4.915 buổi nói chuyện; 2125 buổi chiếu phim, video, 19940 giờ phát thanh nội bộ, Báo Quân đội nhân dân, Truyền hình Quân đội, Tạp chí Hậu cần, Tạp chí Y học quân sự và các báo, đài phát thanh nội bộ các đơn vị có 95 – 250 tin, bài phóng sự truyền thông về công tác Dân số, gia đình và trẻ em/năm. Ban Phụ nữ Quân đội đã phát hành 60.000 tờ gấp, 3.500 poster, 500 sổ tay, 500 đĩa DVD, cấp phát 11.100 tài liệu về phòng chống bạo lực gia đình, nuôi dạy con tốt. Hằng năm, các đơn vị đã tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình” và Ngày Gia đình Việt Nam, 100% sĩ quan trước khi kết hôn được trang bị kiến thức cơ bản về hôn nhân, gia đình và phòng chống bạo lực gia đình; 100% hộ gia đình sĩ quan được cung cấp chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến xây dựng gia đình;… (Uỷ ban dân số, gia đình và trẻ em, 2020)
Cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân luôn coi trọng việc quản lý, chăm lo xây dựng gia đình sĩ quan “ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Nhiều đơn vị thực hiện tốt các phong trào, mô hình sáng tạo, hiệu quả như: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Tiết kiệm trong sinh hoạt, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Bữa cơm gia đình ngày nay”, “Đàn ông vào bếp”, hay mô hình các câu lạc bộ “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Gia đình nói không với bạo lực và tệ nạn xã hội”; “Khu gia đình quân nhân văn minh, kiểu mẫu”… Nhiều gia đình sĩ quan đã và đang là những hạt nhân trong các phong trào giữ gìn bản sắc văn hóa, gương mẫu trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Nhờ đó, những yếu tố truyền thống mang tính tích cực của gia đình Việt Nam, nhất là giá trị đạo đức, giá trị ý thức cộng đồng, chuẩn mực ứng xử trong gia đình, ứng xử trong cộng đồng và giá trị giáo dục trong gia đình đã được các gia đình sĩ quan Quân đội thừa nhận, hướng tới, chuyển hoá và lan toả. Tuy bị chi phối bởi hoạt động quân sự và môi trường quân đội nhưng các thành viên trong gia đình sĩ quan luôn có sự yêu thương, chia sẻ, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Mặc dù, phần lớn gia đình sĩ quan thường thiếu vắng người chồng, người cha trong các sinh hoạt hàng ngày nhưng thay vào đó người phụ nữ đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong gìn giữ và xây dựng tổ ấm gia đình. Dù cuộc sống hiện đại và đặc thù công việc có tác động lớn đến quan hệ vợ chồng, nhưng đa số vợ chồng sĩ quan luôn chú trọng gìn giữ sự thuỷ chung, hoà thuận, tình nghĩa, tạo nên sức mạnh to lớn để mỗi gia đình vượt qua những khó khăn, vất vả, vươn lên trong cuộc sống, cùng nhau xây đắp hạnh phúc và tương lai. Điều đó đã làm cho tình trạng ly hôn của sĩ quan rất ít, các hiện tượng bạo hành, ngược đãi trong gia đình rất hiếm gặp.
Các mối quan hệ giữa cha mẹ, ông bà với con cháu, anh chị em trong gia đình sĩ quan vẫn chủ yếu gìn giữ theo các chuẩn mực truyền thống. Vợ chồng sĩ quan luôn quan tâm chăm sóc, dạy dỗ con cái, tạo điều kiện để con cái phát triển toàn diện. Mặc dù thiếu vắng sự dạy bảo thường xuyên của cha, nhưng phần lớn những người vợ sĩ quan đã nỗ lực gánh vác trọng trách nuôi dạy con trưởng thành. Thế nên, dù có nhiều thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa, nhưng đa số con cái của gia đình sĩ quan đều nỗ lực, cố gắng học tập và rèn luyện trở thành những con ngoan trò giỏi. Hiện tượng con cái không quan tâm đến việc học tập, rèn luyện, trở nên hư hỏng hoặc vi phạm pháp luật xảy ra rất ít ở gia đình sĩ quan.
Cùng với đó, ông bà cũng luôn yêu thương, chăm lo và tạo điều kiện giúp đỡ con cháu, quan tâm giáo dục con cháu bằng sự gương mẫu trong lời nói và việc làm. Do đó, đại đa số con cháu cũng luôn giữ gìn và phát huy được đạo làm con, làm cháu, luôn kính trọng, yêu thương, vâng lời và phụng dưỡng ông bà, cha mẹ. Gia đình sĩ quan cũng luôn quan tâm gìn giữ, vun đắp mối quan hệ anh chị em keo sơn, gắn bó, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi, giúp đỡ lẫn nhau cùng vươn lên trong cuộc sống. Thực tế cho thấy, mặc dù có rất nhiều khó khăn so với các gia đình khác trong xã hội, nhất là gia đình sĩ quan trẻ, nhưng mối quan hệ trong gia đình sĩ quan vẫn luôn bền chặt và thường xuyên được củng cố.
Đồng thời, mối quan hệ giữa gia đình sĩ quan với dòng họ, làng xóm, quê hương, đất nước cũng ngày càng được vun đắp, củng cố và tăng cường. Phần lớn gia đình sĩ quan hiện nay đều trong tình trạng “một chốn ba quê”, sống xa quê hương, dòng họ nhưng họ luôn có ý thức hướng về cuội nguồn, trân trọng, gìn giữ tình cảm quê hương. Họ cũng luôn quan tâm vun đắp tình làng, nghĩa xóm, đề cao trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cộng đồng. Nhiều gia đình sĩ quan đã từng bước khắc phục khó khăn, giữ vững ổn định cuộc sống, nỗ lực vươn lên, trở thành những tấm gương để cộng đồng noi theo. Mỗi gia đình luôn tích cực, chủ động tham gia các hoạt động của cộng đồng, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, chăm lo xây dựng đời sống văn hoá mới. Hầu hết các gia đình sĩ quan đều gương mẫu, đi đầu trong chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chính sách của địa phương, tích cực, chủ động tham gia các hoạt động xã hội, phong trào ở địa phương, đoàn kết xây dựng cộng đồng, khu dân cư nơi đang cư trú. Đặc biệt, mối quan hệ giữa các gia đình sĩ quan sinh sống trong các khu tập thể quân nhân, nhà công vụ luôn được chú trọng xây dựng, trở thành những tập thể đoàn kết, gắn bó, sống chan hoà và đầy nghĩa tình. Dù tuổi đời, quân hàm, chức vụ khác nhau nhưng họ luôn thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ và gắn bó mật thiết với nhau, hình thành nên những nét văn hoá đặc sắc, thật sự là những khu dân cư văn hoá tiêu biểu trong cộng đồng.
Thực tế đã và đang khẳng định, chính việc chú trọng lưu giữ, trao truyền và lan toả giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam đã tạo cơ sở, nền tảng để xây dựng gia đình sĩ quan Quân đội ngày càng ổn định, ấm no, hạnh phúc và vững chắc trước vô vàn những khó khăn, thử thách. Điều đó đã trực tiếp góp phần làm cho tỷ lệ gia đình sĩ quan đạt danh hiệu gia đình văn hoá luôn rất cao và có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây. Theo Báo cáo Tổng kết công tác dân số, gia đình và trẻ em giai đoạn 2016-2020, có 98,5% gia đình trong toàn quân đạt chuẩn gia đình văn hoá, 96,8% gia đình thực hiện tốt chính sách kế hoạch hoá gia đình, 100% gia đình không có người mắc tệ nạn xã hội. (Uỷ ban dân số, gia đình và trẻ em, 2020). Nhiều gia đình sĩ quan tiêu biểu đã được tôn vinh thật sự là những gia đình kiểu mẫu, tiêu biểu trong bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tạo sự lan tỏa trong toàn quân.