Nói đến giá trị là muốn khẳng định mặt tích cực, đúng đắn, cái tốt đẹp, cái đem lại lợi ích thiết thực cho con người và xã hội. Giá trị cũng còn được hiểu là cái được cho là phù hợp với con người. Còn truyền thống được hiểu là hệ thống những quan niệm, thói quen, lối sống, ứng xử của một cộng đồng, được hình thành và phát triển trong một thời gian dài, trở nên ổn định, bền vững thông qua cơ chế lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những giá trị truyền thống của gia đình bao gồm những chuẩn mực đạo đức, tâm lý tình cảm, hành vi ứng xử được các gia đình gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ, được các thành viên của gia đình tiếp thu, vận dụng và xem như là phương hướng cho hoạt động của bản thân. Có thể nói, giá trị gia đình truyền thống đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách cá nhân, củng cố mối quan hệ gia đình, qua đó góp phần phát triển bền vững đất nước.
Giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam được hình thành trên cơ sở mô hình gia đình đa thế hệ. Đây là kiểu gia đình xuất hiện và tồn tại trên nền tảng xã hội nông nghiệp, chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng Khổng giáo. Theo đó, gia đình được coi là nền tảng của xã hội. Việc “tề gia” là điều kiện, bước đệm để người quân tử có khả năng “trị quốc”, “bình thiên hạ”. Không quản lý gia đình tốt thì đừng nói đến năng lực quản lý xã hội. Gia đình chính là một xã hội thu nhỏ, là môi trường cho cá nhân rèn luyện phẩm chất nhân cách, năng lực của bản thân. Người chủ gia đình quản lý gia đình, thực hiện mối quan hệ với các thành viên khác trong gia đình thông qua và bằng những phép tắc, chuẩn mực có tính tôn ti, trật tự, nề nếp đã được các thế hệ trước truyền lại. Vì lẽ đó, gia đình trở thành một môi trường rèn luyện và giáo dục đạo đức, lối sống, ứng xử cho mỗi cá nhân; là nơi cá nhân trao và nhận tình cảm yêu thương, tình cảm gắn bó; là nơi cá nhân thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình với người thân.
Những giá trị nổi bật của gia đình truyền thống Việt Nam thể hiện trong các mối quan hệ trong gia đình, giữa ông bà, cha mẹ với con cháu, giữa anh chị với em, giữa vợ và chồng. Trong mối quan hệ vợ chồng, đề cao sự thủy chung, tôn trọng lẫn nhau (“tôn kính như tân”). Trong mối quan hệ giữa anh chị em, đề cao sự hòa thuận, nhường nhịn giúp đỡ lẫn nhau. Trong mối quan hệ giữa cha mẹ, ông bà với con cháu đề cao sự hy sinh, tình thương, sự chăm sóc của ông bà, cha mẹ đối với con cháu và sự hiếu thảo của con cháu đối với các thế hệ cha ông. Lòng hiếu thảo của con cháu đối với các thế hệ trước là phẩm chất đứng đầu trong hệ thống giá trị đạo đức của con người Việt Nam, cũng quy định toàn bộ hệ giá trị truyền thống của gia đình người Việt. Phẩm chất này thể hiện ở lòng biết ơn, sự kính trọng, lễ phép và sự chăm sóc tận tình cha mẹ, ông bà khi họ còn sống và thờ phụng khi họ đã chết. Như vậy, thờ cúng tổ tiên là một biểu hiện của lòng hiếu thảo – giá trị cao nhất trong hệ giá trị đạo đức của con người Việt Nam. Không chỉ có vậy, thờ cúng tổ tiên còn góp phần bảo lưu nhiều giá trị khác của gia đình Việt Nam truyền thống.