Về khái niệm gia đình truyền thống, cho đến nay vẫn có nhiều quan điểm khác nhau dưới nhiều góc độ tiếp cận. Nhưng nhìn chung, trong quan niệm của các nhà khoa học đều dùng khái niệm gia đình truyền thống để chỉ loại gia đình đã hình thành và tồn tại trong quá khứ mà trong đó chứa đựng nhiều yếu tố bền vững được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, những yếu tố phản ánh nền văn hóa bản địa, tính nội sinh để rồi làm nên nét riêng biệt trong kho tàng văn hóa dân tộc.
Về những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình cần được giữ gìn và phát huy trong việc xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay, có người xem gia lễ hay gia phong là then chốt, có người nhấn mạnh đến hai chữ hiếu – đễ, cũng có người nhấn mạnh đến chữ tình…Nhưng nhìn chung, những giá trị văn hóa truyền thống đó đều thể hiện đậm nét yếu tố văn hóa dân tộc Việt Nam đã được bồi đắp qua hàng nghìn năm lịch sử.
Gia lễ hiểu một cách đơn giản là những lễ nghi theo tập tục ở trong gia đình. Những lễ nghi này được phân loại và thực hiện thường xuyên và có tính lặp lại theo thời gian trong năm của mỗi gia đình. Những nghi lễ trong gia đình, từ xa xưa thông thường được thực hiện theo lời giáo huấn truyền khẩu, người đời trước truyền dạy cho đời sau. Vì vậy, trong mỗi gia đình truyền thống trọng lễ nghĩa, thường răn dạy các thế hệ hậu sinh những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp ngay tuổi đầu đời. Thực tế xưa nay đã chứng minh rằng, chỉ có những người nào hấp thụ được một truyền thống giáo dục gia đình có quy củ, biết tôn trọng gia lễ, gia phong mới có thể là người biết trọng danh dự, chấp hành kỷ luật, luật pháp Nhà nước cũng như chu toàn những trọng trách do xã hội giao phó.
Nhìn rộng ra, gia lễ không chỉ tồn tại trong phạm vi mỗi một gia đình, trong mối quan hệ của các thành viên; mà gia lễ còn có tầm ảnh hưởng rộng tới mọi giao lưu xã hội, mà gần nhất là trong mối quan hệ xóm làng, cộng đồng dân cư. Khi mỗi cá nhân được hấp thụ giá trị văn hóa của gia lễ thì ở họ sẽ hình thành cho mình cách thức đối nhân xử thế đúng mực với người khác. Bởi lẽ, con người sống trong cộng đồng không chỉ sống riêng rẽ, mà cần tới sự giúp đỡ của những người khác và ngược lại. Người sống trong một gia đình có gia phong, đạo lý không thể có những lối ứng xử thiếu suy nghĩ, không thể có những hành động, lời ăn, tiếng nói xô bồ, khiếm nhã với người chung quanh. Ngược lại, người nào không được giáo dục rèn luyện trong gia đình có nền nếp gia phong thì trong cuộc sống, trong lời ăn, tiếng nói với mọi người thường sẽ thấy ở họ sự thô thiển, cục cằn. Do đó, chính gia lễ tăng hiệu năng cho gia giáo, định mức phẩm cách của từng người trong mối tương quan của các quan hệ xã hội. Cho nên, trong việc xây dựng gia đình Việt Nam hiện đại, cần nhận thức rõ mỗi quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa gia đình và xã hội, giữa nền nếp trong mỗi gia đình với việc xây dựng các mối quan hệ người với người trong cộng đồng cùng hướng tới những giá trị tốt đẹp và nhân văn.
Trong gia đình Việt Nam truyền thống, bên cạnh gia lễ, người ta còn nhấn mạnh đến hai chữ hiếu – đễ. Ở phạm trù triết lý, khi nhấn mạnh đến yếu tố đạo lý trong văn hóa gia đình, tác giả – nhà văn hóa lớn Vũ Khiêu cũng đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố này. Theo ông, trong ba mối quan hệ (cha con, vợ chồng, anh em) ấy, thì mỗi quan hệ giữa cha con, anh em tiêu biểu bằng hai chữ hiếu và đễ, đã được Nho giáo tôn lên rất cao và đặt vào một vị trí trang trọng, trở thành cốt lõi trong các mối quan hệ xã hội gồm 5 mối quan hệ (ngũ luân) là: vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bạn bè và các mối quan hệ khác như thầy trò, lớn bé, chủ khách… Nho giáo đặt vấn đề: “Có được Hiếu, Đễ thì có được các đức khác. Hiếu, Đễ là cái gốc mà người quân tử phải nắm lấy, vì cái gốc được vững tốt, tự nhiên đạo lý từ đó mà sinh ra”, hay “Cao đẹp rộng lớn như Đạo của vua Nghiêu vua Thuấn mà cũng chỉ có Hiếu, Đễ mà thôi”…
Từ cách đặt vấn đề của tác giả Vũ Khiêu, chúng ta thấy rõ được ý nghĩa của hiếu và đễ trong gia đình truyền thống. Ở đây, trong văn hóa của gia đình Việt Nam, hiếu đã được khúc xạ bởi yếu tố văn hóa dân tộc, hay nói cách khác, hiếu của con người Việt Nam có điểm riêng biệt và độc đáo khác với hiếu trong Nho giáo của Trung Quốc. Nếu như, hiếu trong Nho giáo chỉ đơn thuần là đạo hiếu đối với cha mẹ, tổ tiên, họ tộc thì hiếu trong văn hóa Việt Nam bên cạnh là đạo lý nền nếp của con cái đối với cha mẹ, họ hàng còn là đạo hiếu, là sự trung hiếu đối với quê hương, đất nước. Điều riêng biệt này bên cạnh yếu tố lịch sử có lẽ còn xuất phát từ bản chất đạo nghĩa cao quý của con người Việt Nam từ xa xưa.
Trong văn hóa gia đình Việt Nam hiện đại, hai chữ hiếu, đễ vẫn có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ và vun đắp cho đạo nghĩa của mỗi gia đình. Một gia đình vẹn nguyên chữ hiếu và đễ có nghĩa ở đó các thành viên ai cũng giữ trọn được trách nhiệm, bổn phận của mình. Ông bà, cha mẹ yêu thương, che chở cho con cháu; con cháu tôn kính, biết ơn đối với cha mẹ, ông bà; anh em yêu thương, đỡ đần, đùm bọc lẫn nhau…chính là hiếu, đễ.
Nếu như gia lễ hay hiếu, đễ là những yếu tố được văn hóa Việt Nam hấp thụ và phát triển tính riêng biệt và độc đáo từ Nho giáo của Trung Quốc thì chữ tình trong văn hóa gia đình truyền thống chính là yếu tố riêng có trong bản sắc văn hóa dân tộc.
Truyền thống văn hóa Việt Nam xưa nay vẫn coi trọng chữ tình. Vì thế mà trong cách ứng xử của người Việt Nam vẫn nặng cái tình hơn cái lý (Một bồ cái lý không bằng một tí cái tình). Dưới góc độ nào đó, đấy chính là mặt tích cực, yếu tố đáng trân trọng cần được giữ gìn và phát huy.
Cái tình, cái nghĩa nó cần thiết trong tất thảy các mối quan hệ trong gia đình. Cái tình trong mối quan hệ cha – con chính là thứ tình cảm thiêng liêng nhất giữa bậc sinh thành và con cái – thứ tình cảm không gì so sánh được. Cái tình trong mối quan hệ vợ – chồng là thứ tình cảm đẹp đẽ, tự nhiên, nó được xây dựng trên cơ sở tình yêu đôi lứa và sau đó trở thành vợ thành chồng; trong cuộc sống gia đình, tình cảm giữa vợ và chồng bên cạnh tình yêu còn là tình nghĩa, là trách nhiệm, bổn phận với nhau trong việc vun đắp xây dựng hạnh phúc gia đình; thứ tình cảm ấy chính là sợi dây quan trọng nhất kết nối các mối quan hệ khác trong gia đình. Còn cái tình trong mối quan hệ giữa anh chị – em với nhau chính là thứ tình cảm máu mủ ruột già, là sự thương yêu, đùm bọc che chở giúp đỡ lẫn nhau; cái tình lớn hơn nữa chính là sự đoàn kết, cộng hưởng, chung sức, chung lòng cùng nhau sinh sống và phát triển…
Trong xã hội mới hiện nay, trước sự tác động mạnh mẽ của mặt trái cơ chế kinh tế thị trường, giao lưu hội nhập và sự đa dạng văn hóa…yếu tố tình cảm trong mỗi gia đình thực sự đang đứng trước thách thức lớn, sự rạn nứt và tẻ nhạt giữa các mối quan hệ trong nhiều gia đình là một thực tế rất đáng lo ngại. Và chính thực tế này cũng đã và đang là một trong những nguyên do làm phai nhạt giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong xã hội mới. Bởi ở thời đại nào thì gia đình cũng luôn là “tế bào” là “xã hội nhỏ” của cả một xã hội lớn.