Dựa vào các đặc điểm cụ thể của từng loại hình gia đình, chúng ta có thể chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu của các loại hình gia đình này.
Gia đình hạt nhân: Nhiều nhất về số lượng và là động lực lớn nhất trong sự phát triển của đất nước Việt Nam. Loại hình gia đình này có thể được xem như “xương sống” của xã hội Việt Nam. Điểm mạnh: Các thành viên còn trẻ, năng động, tự tin, giàu khát vọng, có mối quan hệ khăng khít, có kế hoạch phát triển cụ thể, hướng tới những điều lớn lao trong cuộc sống. Điểm yếu: Điều kiện kinh tế thường eo hẹp, các thành viên luôn luôn trong tình trạng bận rộn với công việc và học hành.
Gia đình không đầy đủ: Loại hình gia đình này đang tăng nhanh; chúng được hình thành chủ yếu từ 2 nguồn: 1. Sau khi hôn nhân đổ vỡ, nhiều bà mẹ, ông bố quyết định ở vậy nuôi con; 2. Một số người, nhất là phụ nữ sinh con nhưng không tiến tới hôn nhân mà quyết định làm bà mẹ, ông bố đơn thân. Cái “Tôi” của người Việt Nam ngày càng lớn, nhiều người cảm thấy đủ tự tin để một mình nuôi dạy con cái. Sau khi hôn nhân đổ vỡ, nhiều bà mẹ, ông bố quyết định ở vậy nuôi con… Điểm mạnh: Các bà mẹ, ông bố đơn thân cố gắng nhiều hơn để bù đắp cho con cái đỡ thiệt thòi; phần lớn những đứa con cũng hiểu hoàn cảnh, thông cảm và chưa sẻ với bố, hoặc mẹ nên sống có trách nhiệm hơn. Do vậy, đời sống tình cảm của loại hình gia đình này luôn tốt đẹp. Điểm yếu: Dù có cố gắng đến mấy thì những ông bố, bà mẹ đơn thân cũng không thể bù đắp phần thiếu hụt do ông bố hay bà mẹ (đáng ra phải có) để lại. Những đứa con của các bà mẹ đơn thân luôn luôn có khát khao được giao tiếp, chơi các trò chơi với người đàn ông trưởng thành để trở nên cứng cáp hơn, mạnh mẽ hơn. Những đứa con của các ông bố đơn thân thì lại cần sự chăm sóc ân cần của người phụ nữ.
Gia đình hỗn hợp: Loại gia đình này cũng tăng lên nhanh chóng vì tỷ lệ lý hôn ở Việt Nam tăng khá nhanh trong khoảng 25 năm trở lại đây. Theo khảo sát sơ bộ, tỷ lệ ly hôn hiện này vào khoảng gần 30%, nghĩa là cứ 100 đôi kết hôn thì có gần 30 đôi ly hôn, khoảng 75% số người ly hôn sẽ tái hôn (kết hôn lần thứ hai). Điểm mạnh : Những người đã ly hôn kết hợp lại với nhau thành một gia đình với những yêu thương, chia sẻ thấm đẫm sự chiêm nghiệm; họ có thể tôn nhau lên, tạo cho nhau sự mạnh mẽ. Điểm yếu: Các mối quan hệ chằng chéo, phức tạp dễ làm nảy sinh mâu thuẫn. Quan hệ thiếu khăng khít, lại không có điểm tựa huyết thống nên thường có xung đột.
Gia đình 3, 4 thế hệ (Gia đình tứ đại đồng đường): Đây là loại hình gia đình mà người Việt chúng ta thường tự hào, muốn chúng tồn tại lâu dài. Điểm mạnh: Lưu giữ được những giá trị truyền thống, tạo ra sự tin cậy, vững chãi; làm lan tỏa yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau… Điểm yếu: Gặp khó khăn trong tổ chức sinh hoạt hàng ngày; gây nên sự gò bó, dễ nảy sinh va chạm, nhất là giữa mẹ chồng – nàng dâu…
Gia đình cách biệt thế hệ: Là loại gia đình hình thành một cách bất đắc dĩ vì cha mẹ bị mất do tai nạn, do bệnh tật hay bỏ đi biệt tích. Điểm mạnh: Loại gia đình này có ít điểm mạnh; song, nó cũng chứng tỏ được việc ông bà thể hiện tình thương và trách nhiệm, sự cố gắng nuôi dạy các cháu nên người của ông bà; nó khẳng định bền vững của huyết thống. Điểm yếu: Luôn gặp khó khăn trong các mối quan hệ.
Gia đình liền thế hệ (chỉ có các anh, chị, em): Đây cũng là loại gia đình hình thành bất đắc dĩ, vì không còn bố mẹ, lẫn ông bà. Loại gia đình này số lượng rất ít nhưng chúng cũng có những tác động nhất định tới xã hội. Điểm mạnh: Thể hiện được tình cảm yêu thương giữa anh em cùng huyết thống, khơi dậy sự cao thượng, sự hy sinh vì nhau. Điểm yếu: Nếu anh em còn nhỏ tuổi sẽ gặp nhiều khó khăn trong tổ chức cuộc sống; thiếu đủ thứ, cái ăn, cái mặc đến sự nồng ấm, dịu dàng của cha mẹ.
Gia đình độc thân: Điểm mạnh: Thành viên của loại hình gia đình này thường là những người có cá tính mạnh mẽ, họ yêu thích sự tự do, thoải mái; mọi sinh hoạt được tổ chức gọn nhẹ, phù hợp; với những người lao động trí óc, ở một mình là điều kiện lý tưởng để làm việc có năng suất, có hiệu quả… Điểm yếu: Thiếu sự sôi động trong sinh hoạt, không tạo nên những nề nếp trong giao tiếp, ứng xử.
Gia đình có yếu tố nước ngoài: Đây là loại hình gia đình tăng khá nhanh trong vòng 20 năm trở lại đây. Theo thống kê sơ bộ, sau khi Liên Xô sụp đổ, đã có khoảng hàng chục nghìn phụ nữ của 15 nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ kết hôn với đàn ông Việt Nam. Ngoài ra, công dân các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Anh,… cũng kết hôn với người Việt Nam. Điểm mạnh: Vững vàng về tài chính, có sức hấp dẫn của sự lãng mạn, mở ra nhiều khả năng phát triển. Điểm yếu: Sự khác biệt về văn hóa, lối sống khiến vợ chồng không cảm nhận được mọi sắc thái của hạnh phúc. Do vậy, trong gia đình loại hình này thường vẫn tồn tại một bức tường mỏng manh vô hình nhưng có thể phá vỡ “liên minh” tưởng chừng rất bền vững.