Theo ý kiến thảo luận của các nhà quản lý gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở, hiện nay, chính sách đang thực hiện một cách nhỏ lẻ. Có nhiều đầu mối và tổ chức cùng tham gia các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Trước hết, mỗi mô hình cho một cơ quan, tổ chức quản lý thường chỉ được thực hiện kiểu phong trào mà chưa đi vào thực chất quản lý và tổ chức hoạt động dựa vào nhu cầu của các cộng đồng dân cư. Do vậy, về mặt chính sách cũng cần có những đổi mới trong quản lý để nâng cao hiệu quả của các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở.
Về cơ cấu, bộ máy, có thể nói, bộ máy quản lý nhà nước về gia đình đã được thiết lập từ Trung ương đến cơ sở. Nhiều cấp, nhiều ngành và địa phương đã ban hành ban chỉ đạo về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, phòng, chống bạo lực gia đình nhưng trên thực tế, ban chỉ đạo chỉ được thực hiện theo hình thức, không có hoạt động cụ thể cho từng địa phương, tùy thuộc vào đặc điểm văn hóa xã hội ở cơ sở và không đi vào thực chất của nhu cầu hoạt động. Do vậy, trong quá trình triển khai thực hiện ở các cấp, các ngành, cần xây dựng các quy chế phối hợp để thực hiện chủ trương và nắm bắt kịp thời các thông tin, liên kết giữa ngành chỉ đạo thống nhất.
Về các quy định pháp luật và các chế tài xử phạt các hành vi vi phạm liên quan đến bạo lực gia đình, vẫn là những khó khăn đối với những người thực thi ở cơ sở khi không có những căn cứ pháp lý xử phạt hoặc ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình, nhất là đối với các hành vi bạo lực tinh thần. Mặt khác, các hành vi bạo lực thể chất đã thể hiện rất rõ ràng và công khai, nhưng theo yêu cầu của các quy định pháp luật nạn nhân phải làm đơn tố cáo thì mới có căn cứ xử phạt người gây ra bạo lực. Đây là điểm hạn chế của các quy định pháp luật trong xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến bạo lực gia đình.
Một điểm quan trọng trong công tác quản lý và xử lý các hành vi vi phạm về bạo lực gia đình, đó là các quy định về chức năng, quyền hạn của lực lượng công an ở cấp cơ sở. Theo các quy định hiện nay, những mâu thuẫn, xung đột có nguy cơ dẫn tới bạo lực gia đình mới chỉ được cộng đồng thôn xóm tới can thiệp mà chưa có những quy định cụ thể và chế tài cho lực lượng công an viên ở thôn, bản, khu dân cư và cấp xã phường xử lý vụ việc kịp thời, tránh những hậu quả nghiêm trọng do bạo lực gia đình gây ra.
Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới