Luật PCBLGĐ có quy định các biện pháp bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình, nhưng các biện pháp này còn bộc lộ các bất cập, đó là:
Thứ nhất, các thủ tục hành chính trong quy định của Luật PCBLGĐ hiện hành đang làm cho nạn nhân khó tiếp cận dịch vụ hỗ trợ của chính quyền, đoàn thể. Các cơ quan, tổ chức không chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ do quy định phải có đơn.
Hiện nay, các quy định trong Luật hiện hành còn nặng về thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc BLGĐ còn khá phức tạp, nhất là quy định về viết đơn, tố cáo. Nhiều nạn nhân BLGĐ ngại tiếp xúc với chính quyền vì không biết phải trình bày thế nào, thậm chí bị người gây bạo lực đe dọa nếu viết đơn hoặc tố cáo.
Số liệu Điều tra quốc gia về BLGĐ với phụ nữ (2010) cho biết: Khoảng 44,2% phụ nữ ở khu vực thành thị và 47,5% phụ nữ ở nông thôn bị bạo lực nói rằng chẳng có ai tìm cách giúp khi họ bị BLGĐ. Đây cũng là lý do có tới 87,1% phụ nữ từng bị chồng bạo lực chưa bao giờ tìm đến bất kỳ cơ quan/tổ chức nào để được giúp đỡ. Giúp đỡ phụ nữ bị BLGĐ chủ yếu là các thành viên gia đình (43,8%) tiếp đến là hàng xóm và bạn bè. Số liệu Điều tra quốc gia về BLGĐ năm 2020 (Điều tra quốc gia lần 2) cho thấy, có 90,4% phụ nữ từng bị chồng/bạn tình bạo lực thể xác hoặc tình dục không tìm đến sự hỗ trợ từ dịch vụ công hoặc chính quyền.
Kết quả các đợt kiểm tra, giám sát và tổng hợp báo cáo công tác PCBLGĐ qua hằng năm cho thấy, việc can thiệp các vụ BLGĐ hiện nay vẫn chủ yếu do gia đình, hàng xóm, bạn bè thực hiện. Vai trò của chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là lực lượng công an ở cơ sở còn chưa rõ. Nói cách khác, các cơ quan, tổ chức còn chưa chủ động trong triển khai các biện pháp ngăn chặn BLGĐ, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân BLGĐ.
Việc áp dụng biện pháp bảo vệ nạn nhân BLGĐ hiện nay cũng gặp rất nhiều khó khăn do vướng các thủ tục pháp lý. Báo cáo của các tỉnh, thành trên toàn quốc năm 2019, các xã/phường/thị trấn áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc 212 trường hợp. Trong khi đó, số bị phạt hành chính là 697 và số bị phạt tù là 98 trường hợp. Số vụ BLGĐ bị xử phạt hành chính cao hơn gấp 3 lần số vụ cấm tiếp xúc đã làm giảm hiệu lực của nguyên tắc PCBLGĐ – lấy phòng để chống. Các biện pháp cấm tiếp xúc cũng chưa thực sự bảo vệ nạn nhân BLGĐ. Khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc thì nạn nhân thường là người phải ra khỏi nhà trong khi họ thường là người yếu thế (phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi).
Một trong những nguyên nhân của bất cập nêu trên là do tại điểm a Khoản 1 Điều 21 Luật PCBLGĐ quy định điều kiện để áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc là phải “có đơn yêu cầu của nạn nhân BLGĐ, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân BLGĐ”.
Về yêu cầu “có đơn” và có nơi ở “nạn nhân BLGĐ tự nguyện chuyển đến” đây thực sự là một trở ngại rất lớn và là lý do có 87,1% phụ nữ là nạn nhân BLGĐ đã không tìm đến sự hỗ trợ của chính quyền, đoàn thể. Một trong những lý do là ngại tiếp xúc với chính quyền, mặt khác có một số không thực sự tin tưởng chính quyền, đoàn thể có thể hỗ trợ được họ. Để được chính quyền bảo vệ, nạn nhân phải viết đơn đề nghị, ngoài lý do nêu trên thì có không ít nạn nhân không biết phải trình bày thế nào. Trong một số trường hợp, nạn nhân còn bị người có hành vi bạo lực hoặc người nhà ngăn cản, đe dọa nếu viết đơn hoặc tố cáo hành vi bạo lực với chính quyền.
Thứ hai, các biện pháp bảo vệ chưa thực sự bảo vệ nạn nhân BLGĐ
Tại Điểm c Khoản 1 Điều 20 Luật PCBLGĐ quy định “Người có hành vi BLGĐ và nạn nhân BLGĐ có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc”. Luật quy định phải có chỗ ở khác nhau nhưng không quy định cụ thể ai là người phải ra khỏi chỗ ở hiện tại. Mặt khác, với những trường hợp không có chỗ ở khác nhau thì không thể áp dụng được biện pháp này. Việc chứng minh có chỗ ở khác nhau là vấn đề không đơn giản nên quy định này không có giá trị thực tiễn trong triển khai.
Thực tế trong thời gian vừa qua, một số địa phương đã thực hiện biện pháp cấm tiếp xúc. Nạn nhân BLGĐ hiện nay chủ yếu là phụ nữ, khi ra khỏi nhà để thực hiện biện pháp cấm tiếp xúc họ còn phải mang theo cả con chưa trưởng thành đi kèm. Vì vậy, bản thân nạn nhân BLGĐ cũng không muốn chính quyền địa phương áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc nên không viết đơn.
Về phía chính quyền khi nhận thấy những hành vi BLGĐ có thể nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân nhưng cũng không thể áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc khi không nhận được đơn đề nghị của nạn nhân hoặc nhận đơn nhưng người gây BLGĐ và nạn nhân không có chỗ ở khác nhau thì cũng không thể ra quyết định cấm tiếp xúc. Không chỉ đối với chính quyền mà ngay tại Tòa án nhân dân trong quá trình thụ lý vụ án ly hôn có nguyên nhân từ BLGĐ cũng khó áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc để bảo vệ nạn nhân. Vụ án chồng đâm chết vợ tại phiên tòa hòa giải ly hôn tại Tòa án nhân dân thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk năm 2018 là minh chứng cho thấy những bất cập trong việc áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc hiện nay. Mặt khác, trong mối quan hệ gia đình, đôi khi người thực hiện hành vi BLGĐ còn có những toan tính và việc đưa nạn nhân ra khỏi nhà có thể là điều kiện cho người gây bạo lực đạt được toan tính đó (mục đích là chiếm đoạt tài sản-chỗ ở).
Luật pháp của nhiều quốc gia trên thế giới quy định người có hành vi BLGĐ là người phải ra khỏi nhà trong thời gian cấm tiếp xúc. Việc ra quyết định cấm tiếp xúc do công an quyết định hoặc tòa án quyết định mà không cần đến đề nghị của nạn nhân. Căn cứ tính chất của vụ việc, công an hoặc tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn từ xa (cấm tiếp xúc) nhằm bảo vệ nạn nhân cũng như những thành viên khác trong gia đình. Vì vậy, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực thi pháp luật, các quy định của pháp luật hiện hành về biện pháp cấm tiếp xúc cần phải được sửa đổi.
Các báo cáo nghiên cứu về BLGĐ cho thấy nguyên nhân sâu xa của BLGĐ là tình trạng bất bình đẳng giới, không tôn trọng quyền con người, nhưng nguyên nhân trực tiếp của 60% các vụ BLGĐ là xuất phát từ say rượu, nghiện rượu. Tuy nhiên pháp luật về PCBLGĐ chưa có qui định cụ thể về việc đưa những đối tượng nghiện rượu, hay gây BLGĐ đi cai nghiện rượu bắt buộc, do đó tình trạng BLGĐ cứ thế tiếp diễn và rồi hậu quả từ nhẹ đến nặng và thâm chí gây tử vong cho nạn nhân. Rượu cũng làm tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người nghiện từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của người nghiện cũng như thành viên trong gia đình. Giảm nguyên nhân trực tiếp gây BLGĐ qua việc đưa người nghiện rượu hay gây BLGĐ đi cai nghiện bắt buộc không chỉ ngăn chặn BLGĐ do rượu mà còn bảo vệ sức khỏe, chất lượng sống cho các thành viên gia đình, giảm thiểu bạo lực xã hội và tai nạn giao thông do rượu. Vì vậy, quy định này cần được luật hóa.
Thứ ba, các cơ sở trợ giúp nạn nhân BLGĐ chưa hoạt động hiệu quả:
– Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trợ giúp nạn nhân BLGĐ
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phủ khắp trên toàn quốc với chức năng chính là chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nạn nhân BLGĐ khi đến cơ sở y tế được tiếp nhận và chăm sóc y tế giống như những bệnh nhân khác. Việc sàng lọc đối tượng bệnh nhân là nạn nhân BLGĐ được ngành y tế triển khai từ năm 2009 (Thông tư số 16/2009/TT-BYT ngày 22/9/2009 và nay là Thông tư số 24/2017/TT-BYT ngày 17/5/2017). Mặt khác, Bộ Y tế cũng đang tiến hành thí điểm đưa nội dung chăm sóc nạn nhân BLGĐ tại cơ sở y tế vào chương trình học của sinh viên điều dưỡng; triển khai tài liệu hướng dẫn, đào tạo cho cán bộ và nhân viên y tế về chăm sóc, điều trị, sàng lọc các bệnh nhân là nạn nhân bị BLGĐ. Tuy nhiên, việc “bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân BLGĐ trong thời gian không quá 1 ngày theo yêu cầu của nạn nhân BLGĐ” theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật PCBLGĐ chưa phù hợp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Ngành y tế hiện nay, nhiều cơ sở y tế đang chịu áp lực lớn, không đủ cơ sở vật chất và nhân lực để thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh. Mặt khác, nhân viên y tế cũng đang là đối tượng có nguy cơ cao bị bạo lực từ người nhà bệnh nhân. Việc quy định về nghiệp vụ chuyên môn để điều trị tâm lý cho nạn nhân BLGĐ bên cạnh việc điều trị về thể chất được cho là phù hợp hơn là quy định bố trí nơi tạm lánh. Vì vậy, cần điều chỉnh lại nhiệm vụ của ngành y tế trong việc PCBLGĐ để phát huy thế mạnh của ngành.
– Cơ sở bảo trợ xã hội
Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật PCBLGĐ của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, trên toàn quốc có 418 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và 40 Trung tâm công tác xã hội chuyên sâu, với tổng số cán bộ, nhân viên công tác xã hội làm việc tại cơ sở và tại mạng lưới cấp xã là 30.000 người. Theo quy định tại Điều 28 Luật PCBLGĐ thì Cơ sở bảo trợ xã hội thực hiện việc chăm sóc, tư vấn tâm lý, bố trí nơi tạm lánh và hỗ trợ các điều kiện cần thiết khác cho nạn nhân BLGĐ. Nhưng, báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội không có thông tin về kết quả trợ giúp nạn nhân BLGĐ tại các cơ sở bảo trợ xã hội.
Ở cấp xã, Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội có lực lượng cán bộ, nhân viên công tác xã hội bao phủ các xã. Nhưng, quy định của Luật PCBLGĐ chưa đề cập đến đối tượng này. Việc hỗ trợ nạn nhân BLGĐ thường được xếp vào nhóm bạo lực giới. Vì vậy, bên cạnh việc sửa đổi quy định để làm rõ hơn trách nhiệm của cơ sở bảo trợ xã hội trong việc chăm sóc, tư vấn tâm lý, bố trí nơi tạm lánh và hỗ trợ các điều kiện cần thiết khác cho nạn nhân BLGĐ thì cần bổ sung thêm quy định đối với nhân viên công tác xã hội trong PCBLGĐ.
– Cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGĐ và Cơ sở tư vấn về PCBLGĐ
Việc thành lập, hoạt động của 2 cơ sở này, Chính phủ đã quy định chi tiết về điều kiện thành lập, giải thể, nội dung hoạt động tại Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2009. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 02/2010/TT-BVHTTDL ngày 16/3/2010 quy định chi tiết về thủ tục đăng ký hoạt động, giải thể cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGĐ; cơ sở tư vấn về PCBLGĐ; tiêu chuẩn của nhân viên tư vấn; cấp thẻ nhân viên tư vấn; chứng nhận nghiệp vụ chăm sóc, tư vấn và tập huấn PCBLGĐ. Để cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đăng ký thành lập cơ sở nói trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 23/2014/TT-BVHTTDL sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 02/2010/TT-BVHTTDL. Nhưng đến nay, việc thành lập 2 cơ sở nói trên theo đúng quy định của pháp luật về PCBLGĐ vẫn chưa được thực hiện.
Thực tế hiện nay, có một số cơ sở đang hoạt động thực hiện chức năng trợ giúp nạn nhân BLGĐ (Ngôi Nhà bình yên) hay thực hiện chức năng tư vấn về PCBLGĐ (Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới-Gia đình-Phụ nữ và Vị Thành niên – CSAGA). Các cơ sở này đang hoạt động khá hiệu quả trong việc hỗ trợ, tư vấn cho nạn nhân BLGĐ, song, không thành lập theo quy định của pháp luật về PCBLGĐ mà theo dạng mô hình khác. Vì vậy, có thể nói rằng sau 10 năm kể từ ngày có văn bản hướng dẫn chi tiết việc thành lập, hoạt động của 2 cơ sở này đến nay trên toàn quốc vẫn chưa có một cơ sở nào được thành lập, mặc dù thực tế hiện nay vẫn tồn tại một số cơ sở có chức năng hoạt động tương tự.
Ngoài một số nguyên nhân nêu trên, còn một số quy định khác dẫn đến việc thực thi Luật PCBLGĐ chưa hiệu quả. Cụ thể là, khoản 6 Điều 8 quy định cấm “Lợi dụng hoạt động PCBLGĐ để trục lợi hoặc thực hiện hoạt động trái pháp luật”. Khoản 1 và khoản 2 Điều 6 quy định “1. Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác PCBLGĐ. 2. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, tài trợ cho hoạt động PCBLGĐ; phát triển các mô hình phòng ngừa BLGĐ và hỗ trợ nạn nhân BLGĐ.” Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn hoạt động trợ giúp nạn nhân của các cơ sở trợ giúp nạn nhân BLGĐ theo quy định tại Khoản 3 Điều 26 Luật PCBLGĐ và được quy định tại Chương 5 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2009, trong đó, điểm đáng chú ý là để thành lập cơ sở nói trên thì phải đáp ứng điều kiện như có diện tích tối thiểu 30m2, có các cơ sở vật chất tối thiểu, nhân viên phải có chứng nhận về PCBLGĐ.
Việc quy định không được lợi dụng hoạt động PCBLGĐ để trục lợi nhưng Luật không quy định rõ trường hợp được coi là trục lợi. Quy định về tiêu chuẩn diện tích phòng, trình độ nghiệp vụ của nhân viên,… cũng khiến không chỉ những tổ chức, cá nhân muốn tham gia thành lập cơ sở nói trên mà ngay cơ quan chuyên môn ở cấp tỉnh cũng khó khăn trong quá trình tham mưu, thực hiện.
Ngoài ra, định kiến giới, những rào cản về văn hóa cũng cản trở nạn nhân tiếp cận các dịch vụ xã hội. Khái niệm bạo lực kép được sử dụng để chỉ những trường hợp nạn nhân BLGĐ ngoài việc phải chịu bạo lực từ người thân trong gia đình còn phải chịu bạo lực từ chính cộng đồng, thậm chí là người thực hiện hỗ trợ họ.
Tại Ngôi nhà bình yên thuộc Trung tâm phụ nữ và phát triển, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, những nạn nhân của BLGĐ sau khi đến tạm lánh tại đây đã gặp khó khăn khi tái hòa nhập gia đình, cộng đồng. Họ thường phải chịu những kỳ thị về việc phải đi tạm lánh. Những rào cản nói trên vô hình đã ngăn nạn nhân tìm đến sự trợ giúp ngoài cộng đồng dân cư nơi họ cư trú cũng như tố cáo người có hành vi BLGĐ.
Ngoài những quy định nhằm ngăn chặn sự kỳ thị khi nạn nhân BLGĐ hòa nhập gia đình, cộng đồng. Các chính sách hỗ trợ đặc biệt đối với nạn nhân cũng như trách nhiệm của người có hành vi BLGĐ đối với những chi phí mà nạn nhân phải chi trả khi tạm lánh.