Một là, Cần phải thống nhất nhận thức “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế xã hội. “Hạnh phúc gia đình” phải được bảo trợ bởi hệ thống luật pháp và các văn bản liên quan dưới luật. Xây dựng môi trường văn hóa gia đình là tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung của Chiến lược gia đình Việt Nam giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và nội dung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến gia đình và công tác gia đình như Luật hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới.
Hai là, Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc vừa phù hợp với yêu cầu của sự phát phát triển, vừa là chuẩn mực mà gia đình Việt Nam hiện đại cần hướng tới để thực hiện. Nêu cao trách nhiệm của mỗi gia đình trong việc xây dựng và bồi dư¬ỡng nhân cách cho mỗi thành viên trong gia đình. Các tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa gia đình phải phù hợp và có ý nghĩa thiết thực với đời sống của gia đình trong xã hội phát triển, đáp ứng được nguyện vọng tâm tư tình cảm của mọi thành viên trong gia đình mới tạo được sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân. Đây chính là yếu tố quyết định sự thành công nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa gia đình trong bối cảnh hiện nay.
Ba là, Giá trị văn hóa gia đình của gia đình truyền thống phải trở thành chuẩn mực cơ bản, là “linh hồn’’ của gia đình trong xã hội hiện đại và phát triển. Xu thế hội nhập, toàn cầu hóa đang đặt ra, đòi hỏi gia đình Việt Nam phát triển theo xu hướng tiến bộ của nhân loại, hạn chế những tiêu cực đang nảy sinh xâm hại đến gia đình. Xây dựng môi trường văn hóa gia đình hiện nay cần tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình truyền thống Việt Nam, thích ứng với những đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xu thế toàn cầu hóa. Lấy giá trị truyền thống gia đình Việt Nam “gia phong, gia lễ, gia đạo, gia hiếu” làm nền tảng để duy trì xây dựng môi trường văn hóa gia đình Việt Nam hiện nay với những chuẩn mực nhân văn, tiến bộ.
Bốn là, Giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa gia đình kết hợp với giáo dục pháp luật, cung cấp kiến thức và kỹ năng sống trong gia đình. Gia đình là môi trường quan trọng trong việc giáo dục nếp sống, lối sống và góp phần hình thành nhân cách cho mỗi thành viên trong gia đình. Nội dung xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa gia đình là yếu tố nền tảng cần được kết hợp với giáo dục pháp luật, cung cấp kiến thức và kỹ năng sống trong gia đình để gia đình phát triển bền vững trên cơ sở thượng tôn pháp luật trong đời sống gia đình.
Năm là, Phòng chống lại các tiêu cực xã hội xâm lấn vào gia đình làm suy giảm giá trị văn hóa gia đình Việt Nam. Gia đình và giá trị văn hóa của thời đại mới cần được tôn vinh, tuyên truyền, quảng bá sâu rộng. Tiếp tục duy trì và phát triển phong trào xây dựng gia đình văn hóa, đề cao xây dựng văn hóa gia đình và tiêu chí gia đình hạnh phúc. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa là tinh hoa của nền văn hoá mới; môi trường giáo dục hiệu quả trong xây dựng con người mới; pháo đài vững chắc phòng chống các loại tệ nạn xã hội. Phải có kế hoạch để hướng dẫn thi hành cụ thể, ngăn chặn có hiệu quả và đấu tranh mạnh mẽ với các tiêu cực, hủ tục, tệ nạn đang diễn ra đối với gia đình hiện nay.
Xây dựng môi trường văn hóa gia đình hiện nay là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, góp phần quan trọng xây dựng gia đình Việt Nam phát triển ổn định, bền vững trước biến động của đời sống xã hội đan xen cả cơ hội thuận lợi và những thách thức khó lường. Đây là công tác có tầm chiến lược quốc gia, xây dựng gia đình môi trường văn hóa gia đình cũng chính là tham gia xây dựng môi trường xã hội ổn định trong xu thế phát triển. Mục tiêu xây dựng gia đình là kết hợp giữa xây dựng gia đình truyền thống với gia đình hiện đại, phù hợp và đáp ứng với yêu cầu của sự phát triển với các tiêu chí cơ bản: ấm no, bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ. Đồng thời gia đình Việt Nam phải là một pháo đài chống lại sự xâm lăng văn hóa. Muốn giải quyết tốt vấn đề truyền thống và hiện đại trong mối quan hệ gia đình, để có những gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ ngoài sự nỗ lực tự thân của mỗi gia đình, rất cần có sự hỗ trợ đầu tư và bảo vệ tối đa của Nhà nước, pháp luật. Có như vậy, gia đình Việt Nam mới đủ điều kiện phát triển bền vững, làm nền tảng xã hội.