Hình thức của quấy rối tình dục được nghiên cứu phân loại thành các biểu hiện sau: biểu hiện mang tính thể chất, biểu hiện bằng lời nói, biểu hiện phi ngôn ngữ hay phi lời nói, biểu hiện thông qua các hành vi ép buộc liên tục, hành vi hiếp dâm, có ý định hiếp dâm hoặc ép buộc quan hệ tình dục. Các biểu hiện hành vi này được cụ thể hóa 15 biểu hiện về quấy rối tình dục.
Đa số sinh viên có nhận thức khá tốt về một số biểu hiện của hành vi quấy rối tình dục (tỷ lệ nhận biết hơn 50% ở 8/15 điểm). Tuy nhiên 7/15 biểu hiện được đưa ra có tỷ lệ nhận thức dưới 50% cho thấy, một bộ phận không nhỏ sinh viên chưa nhận biết đầy đủ các biểu hiện của quấy rối tình dục, đặc biệt biểu hiện phi ngôn ngữ như huýt sáo trêu ghẹo, bình phẩm về hình thức, tán tỉnh quấy rối liên tục bằng tin nhắn, email, yêu cầu chủ động ngồi gần khi đối phương không đồng ý.
Nam và nữ giới có nhận biết tương đồng về biểu hiện của hành vi quấy rối tình dục thể hiện rõ ràng thông qua hành vi thể chất, lời nói và hình ảnh. Tuy nhiên nữ giới vượt trội hơn nam giới về khả năng nhận biết các hành vi quấy rối tình dục phi ngôn ngữ như “Huýt sáo trêu ghẹo” (52,6% sinh viên nữ nhận biết so với 18% sinh viên nam); “Liếc mắt đưa tình” tỷ lệ sinh viên nữ nhận biết cao hơn sinh viên nam sinh viên 2,2 lần ( 35,3% so với 16%)… Một số hành vi quấy rối qua lời nói như “Đùa giỡn, bình luận vấn đề tình dục” tỷ lệ sinh viên nữ nhận biết cao hơn nam sinh viên là 27,8 điểm phần trăm. Điều này cho thấy, nam sinh viên có xu hướng cho rằng một số hành vi quấy rối tình dục là hành vi tự nhiên có sự thu hút cá nhân, và cho thấy nam giới thiếu sự phân tích các cảm xúc như thái độ từ nữ giới. Đây cũng là khuôn mẫu giới phổ biến trong xã hội khi nam giới được coi là người chủ động chinh phục và phụ nữ thường đón nhận như là một sự khen ngợi, tán dương.