Hiện nay, mô hình CLB (CLB), tổ hòa giải về phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) ở nhiều địa phương ngày càng được nhân rộng, kiện toàn, góp phần đưa Luật phòng chống BLGĐ vào cuộc sống nhằm đẩy lùi tình trạng bạo lực trong mỗi gia đình. Nhờ đó, số vụ BLGĐ, nạn nhân bị bạo lực giảm theo từng năm.
Tùy theo từng địa phương, các mô hình phòng chống BLGĐ có những tên gọi khác nhau như: CLB gia đình hạnh phúc; gia đình phát triển bền vững, CLB nam giới nói không với BLGĐ; tổ phụ nữ xây dựng hạnh phúc và giúp nhau phát triển kinh tế…
Toàn tỉnh Phú Thọ hiện có 243 CLB phòng chống BLGĐ tại các khu dân cư, thu hút sự tham gia của nhiều chị em phụ nữ, đặc biệt là nam giới. Các CLB này đã và đang phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền, can thiệp, hỗ trợ và hòa giải thành công hàng trăm vụ việc liên quan đến BLGĐ mỗi năm.
Các CLB còn làm tốt vai trò là diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ, tư vấn cho hội viên trong việc ngăn ngừa BLGĐ; đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hội viên và là đầu mối để giải quyết các mâu thuẫn. Đặc biệt, khi phát hiện vụ việc có yếu tố BLGĐ, các CLB đã can thiệp, hỗ trợ kịp thời thông qua hòa giải tại gia đình, góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư… Nhờ đó, nhiều cặp vợ chồng đã giải quyết được mâu thuẫn và cùng nhau xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Riêng năm 2018, trên địa bàn tỉnh có gần 200 vụ BLGĐ được hòa giải thành.
Điển hình như: CLB phòng, chống BLGĐ khu 3, xã Vân Lĩnh, huyện Thanh Ba. Được thành lập từ năm 2015, đến nay, CLB phòng, chống BLGĐ khu 3 có 48 cặp vợ chồng tham gia. CLB sinh hoạt định kỳ hằng tháng với các nội dung tuyên truyền về xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc; những nét đẹp, cách ứng xử trong gia đình, cách nuôi dạy con cái; đồng thời lên án, phê phán các hành vi BLGĐ và các biện pháp phòng, chống BLGĐ, kiến thức chăn nuôi, phát triển kinh tế… Thông qua hoạt động của CLB, các cặp vợ chồng có thêm hiểu biết, nhận thức, sống hòa thuận, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn kết, an ninh trật tự được đảm bảo.
Tại Hà Tĩnh, nhiều vụ việc đã được các CLB hoạt động có liên quan đến lĩnh vực phòng chống BLGĐ ở các địa phương, đơn vị, trường học vào cuộc hòa giải thành công. Có thể kể đến như: Mô hình CLB gia đình theo 4 tiêu chí “Ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” ở thị xã Hồng Lĩnh; các CLB phòng chống BLGĐ ở xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh), xã Sơn Trường (huyện Hương Sơn), xã Ân Phú (huyện Vũ Quang); CLB hạnh phúc gia đình ở xã Sơn Thọ (huyện Vũ Quang); CLB không sinh con thứ 3 ở các trường học của huyện Lộc Hà…
Ngoài giúp đỡ, hàn gắn hạnh phúc gia đình, các CLB này còn tham gia tháo gỡ cả chuyện xung đột tình cảm cha con, anh em do những bất đồng trong cuộc sống. Khi xẩy ra mâu thuẫn, xung đột, các CLB đã kịp thời phát hiện, nhanh chóng thực hiện công tác hòa giải, tư vấn, giải quyết, góp phần mang lại cuộc sống hạnh phúc, tiến bộ trong mỗi gia đình.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã có hàng trăm CLB phòng chống BLGĐ được thành lập. Các CLB đã làm tốt vai trò là diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ hội viên về các vấn đề có liên quan; làm tốt công tác bình đẳng giới, có các biện pháp ngăn ngừa về BLGĐ; thường xuyên có các buổi nói chuyện về đạo đức, nề nếp gia phong, giáo dục pháp luật; bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp cho hội viên và là đầu mối để giải quyết các mâu thuẫn…
Bên cạnh đó, Hà Tĩnh đã xây dựng được 2.270 tổ hòa giải BLGĐ với 15.254 hòa giải viên ở cơ sở. Các tổ đã hòa giải thành công 2.653 vụ BLGĐ, trong đó có 1.288 vụ bạo lực tinh thần, 1.231 vụ bạo lực thân thể, 16 vụ bạo lực tình dục, 118 vụ bạo lực kinh tế. Nhờ đó, nạn BLGĐ ở các địa phương ngày càng giảm, năm 2018 tỉnh chỉ còn xảy ra 359 vụ.
Tại Đồng Nai, các địa phương trong tỉnh đã triển khai thành công và nhân rộng các mô hình CLB (CLB) gia đình. Hầu hết, các gia đình và thành viên tham gia mô hình CLB đều tự nguyện đóng góp kinh phí sinh hoạt.
Đến nay, toàn tỉnh có 771 CLB gia đình phát triển bền vững; 986 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 1.091 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 59 CLB nam giới nói không với BLGĐ.
Thời gian tới các cấp, các ngành cần chú trọng nhân rộng các mô hình hiệu quả, tập huấn và hỗ trợ nâng cao chất lượng nội dung hoạt động của các mô hình gia đình, đồng thời huy động nguồn lực để duy trì và phát triển mô hình cả về chất và lượng, góp phần xây dựng gia đình văn hóa.
Nguyễn Khang/Nguồn: hoinongdan.org.vn