Những nguyên tắc ứng xử trong gia đình là những quy định mà các thành viên trong gia đình cần tuân theo nhằm duy trì cho gia đình hoạt động theo một nề nếp nhất định. Những quy tắc này đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định chuẩn mực cho mỗi hành vi của các thành viên trong gia đình. Những nguyên tắc chung của gia đình không chỉ giúp các thành viên trong gia đình điều chỉnh được những hành vi của mình mà còn giúp mọi người biết cách tôn trọng, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau.
Đối với nhiều gia đình phương Tây, khi xây dựng gia đình hai vợ chồng cùng nhau thống nhất những nguyên tắc ứng xử nhằm không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống hôn nhân, tránh những mâu thuẫn không đáng có hoặc tránh những kỳ vọng của vợ với chồng hoặc ngược lại, nhưng lại không được thể hiện rõ. Những nguyên tắc ứng xử trong gia đình thường được viết dưới dạng những câu mệnh lệnh.
Nguyên tắc ứng xử của gia đình Việt Nam luôn tồn tại và thích nghi với điều kiện kinh tế – xã hội của mỗi thời kỳ của đất nước. Sự khác biệt giữa xã hội phương Tây và Việt Nam nói riêng là không hẳn lúc nào cũng đưa ra nguyên tắc chung đó mà tự trong lòng mỗi thành viên thầm ghi nhớ và ứng dụng trong điều kiện của mỗi gia đình.
Những nguyên tắc ấy được thế hệ trước trao truyền cho thế hệ sau trong quá trình lao động, học tập và giao tiếp trong gia đình và ngoài xã hội. Khi xây dựng một gia đình mới không phải cặp vợ chồng nào cũng trao đổi thẳng thắn về những nguyên tắc và mong đợi cách ứng xử ở người chồng hay người vợ với nhau và với thành viên khác. Điều này dẫn tới những kỳ vọng không tương đồng giữa các thành viên. Đây là một trong những điểm mấu chốt gây xung đột, bất hòa hoặc thậm chí xung khắc gay gắt với nhau trong đời sống hằng ngày.
Tùy theo vai trò, lứa tuổi, mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể trong ứng xử mà các nguyên tắc được vận dụng phù hợp trong đời sống gia đình.