Luật PCBLGĐ năm 2007 có quy định các nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 3):
“1. Kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, lấy phòng ngừa là chính, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn, hoà giải phù hợp với truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
2. Hành vi bạo lực gia đình được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
3. Nạn nhân bạo lực gia đình được bảo vệ, giúp đỡ kịp thời phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của họ và điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước; ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, người cao tuổi, người tàn tật và phụ nữ.
4. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình”.
Để PCBLGĐ có hiệu quả, dự thảo Luật PCBLGĐ (sửa đổi) ngoài quy định các nguyên tắc nêu trên, còn quy định thêm một số các nguyên tắc: Đảm bảo các nguyên tắc bình đẳng giới và quyền con người trong phòng, chống bạo lực gia đình; Phối hợp liên ngành để tổ chức thực hiện các biện pháp có hiệu quả trong phòng, chống bạo lực gia đình và bảo vệ hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; Người có hành vi bạo lực gia đình với nhiều người; có hành vi bạo lực với phụ nữ đang mang thai, người tàn tật, người cao tuổi; có hành vi bạo lực trong tình trạng đã sử dụng rượu, bia được xác định là tình tiết tăng nặng trong xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và Người làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong các ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an, Tòa án, Kiểm sát phải được đào tạo bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng tâm lý, gia đình và nhạy cảm giới.