Nguyên nhân khách quan
Về thể chất và trí tuệ của trẻ em còn non nớt, khả năng tự vệ phòng tránh các nguy cơ, hành vi xâm hại yếu ớt, hạn chế, do đó bọn tội phạm lợi dụng yếu tố này để xâm hại các em; số người chưa thành niên vi phạm pháp luật, phạm tội đa phần do bản thân thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện, ham chơi bời, hưởng thụ, đua đòi học theo các thói hư tật xấu, bị bạn bè lôi kéo vào các hành vi vi phạm pháp luật. Mặt khác, các em thiếu sự quản lý giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội, không định hướng được tương lai và hành động nhân ái dẫn đến thực hiện các hành vi lệch chuẩn về đạo đức, vi phạm pháp luật.
Bên cạnh tính ưu việt của công nghiệp 4.0 thì mặt trái của nó đã tạo sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ nét, điều này tạo nên sự bất bình đẳng về cơ hội được bảo vệ của trẻ em; tác động trực tiếp đến đời sống của từng gia đình, mỗi cá nhân và những nhu cầu hưởng thụ, trong đó có nhu cầu hưởng thụ ích kỷ, hẹp hòi hay hủ hóa, biến chất như: hiếp dâm trẻ em, giao cấu với trẻ em, giết trẻ em, hoặc phát sinh tội phạm mới như: mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; tổ chức ép buộc trẻ em đi ăn xin, mua bán bào thai.
Hiện tượng di dân tự do từ nông thôn ra thành thị, qua biên giới kiếm sống đã tạo nguy cơ trẻ em bị xâm hại. Các điểm vui chơi giải trí cho trẻ em ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa; vai trò quản lý, giáo dục của gia đình với trẻ em ở nhiều gia đình chưa được coi trọng, thiếu quan tâm chăm sóc các em để trẻ em lang thang kiếm sống, trẻ em bỏ học gia tăng là nguy cơ cao bị các đối tượng khác xâm hại, nhất là xâm hại tình dục.
Nguyên nhân chủ quan
Do lối sống buông thả, lười lao động, thích ăn chơi, đua đòi của một số phần tử thoái hóa, biến chất, suy thoái nhân cách dẫn đến hành vi phạm tội; một số khác do trình độ văn hóa thấp, thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật hay do mê tín dị đoan một cách mù quáng dẫn đến thực hiện hành vi phạm tội xâm hại trẻ em; số đối tượng trong lứa tuổi chưa thành niên vi phạm pháp luật, phạm tội rơi vào hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế, bố mẹ là đối tượng hình sự, rượu chè, cờ bạc, trong gia đình thường xảy ra bạo lực, bố mẹ ly dị, ly thân. Một số khác do người lớn trong gia đình không hiểu được giai đoạn phát triển của trẻ nên việc quản lý, giáo dục trẻ em chưa phù hợp, thiếu quan tâm tới trẻ hoặc nuông chiều trẻ quá mức hay để trẻ em tiếp xúc với phim ảnh đồi trụy, bạo lực không lên án, phê bình một cách mạnh mẽ.
Công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân chưa được thường xuyên, liên tục nhất là đến các vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế, mang tính hình thức do đó chưa tiếp cận được số có nguy cơ cao; Việc chăm lo cải thiện đời sống tinh thần, tạo ra sân chơi bổ ích thu hút học sinh còn nhiều bất cập, các hoạt động của tổ chức Đoàn, Đội chưa đáp ứng được nhu cầu của học sinh trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, vui chơi và cách ứng xử có văn hóa khi phát sinh mâu thuẫn; công tác quản lý, giáo dục học sinh hư, học sinh cá biệt chưa được chặt chẽ còn để số em này tham gia vào các hoạt động tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật.
Công tác phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật, phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người mang tính xã hội sâu sắc, cần sự vào cuộc, quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền.Tuy nhiên đến nay một số địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đến công tác chỉ đạo, điều hành các lực lượng, các ban, ngành, các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác phòng ngừa tội phạm có liên quan đến trẻ em và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục; Công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động tiêu cực trong quán bar, nhà hàng karaoke, vũ trường cấp cơ sở chưa thực hiện tốt. Cơ chế hậu kiểm, nhất là các điểm dịch vụ Internet chiếu phim kích động bạo lực, khiêu dâm cùng với các hiện tượng tiêu cực khác ngoài xã hội đã tác động mạnh đến tư tưởng, lối sống của trẻ em, nhiều em bị kích động, bắt chước làm theo đã gây ra một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng.
Một số đơn vị, địa phương, công tác nắm, dự báo tình hình tội phạm chưa sát với tình hình thực tế, công tác phòng ngừa hiệu quả còn hạn chế. Việc rà soát, lập danh sách, xử lý các đối tượng cò mồi, môi giới hôn nhân có yếu tố nước ngoài, tổ chức xuất cảnh trái phép, đặc biệt thời gian gần đây nổi lên tình trạng mua bán trẻ sơ sinh, mua bán thận, mang thai hộ chưa được triệt để; công tác điều tra một số vụ việc xâm hại trẻ em gặp khó khăn do nạn nhân nhỏ tuổi, chứng cứ bị tiêu hủy do phát hiện muộn nên quá trình giải quyết vụ việc còn chậm, thông tin đến dư luận chưa kịp thời nên gây bức xúc.
Nguồn lực phục vụ cho công tác phòng, chống loại tội phạm này còn hạn chế: kinh phí hỗ trợ còn thiếu, hạn hẹp; việc nghiên cứu tâm lý, kỹ năng lấy lời khai thân thiện trong các vụ xâm hại trẻ em của cán bộ điều tra chưa được đào tạo bài bản; Công tác phối hợp, trao đổi thông tin của đơn vị, địa phương còn bị động.